Lành mạnh hóa thị trường chứng khoán
Các diễn giả tại tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 25-5 bày tỏ kỳ vọng các giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán sẽ giúp thị trường phát triển bền vững, hỗ trợ tốt cho tiến trình hồi phục kinh tế sau dịch Covid-19.
. GS-TS HOÀNG VĂN CƯỜNG, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:
GS-TS HOÀNG VĂN CƯỜNG
Kênh huy động vốn nhàn rỗi
Thị trường chứng khoán trong thời gian qua thật sự tăng trưởng nóng vì vốn hóa thị trường đã tăng lên mức tương đương với nhiều nước trong khu vực, tới gần 93% GDP. Quy mô thị trường cũng tăng rất nhanh, từ mức khoảng 4,3 triệu tỉ đồng vào năm 2019 lên tới 7,7 triệu tỉ đồng năm 2021.
Có thể nói thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế. Nền kinh tế đang phục hồi sau giai đoạn phải ứng phó với đại dịch Covid-19, doanh nghiệp (DN) cần huy động vốn để làm ăn. Điều chúng ta mong muốn là thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn nhàn rỗi của cá nhân để trở thành vốn đầu tư dài hạn cho DN. Do đó, cần phát triển thị trường để trở thành kênh huy động vốn quan trọng từ các nhà đầu tư cho DN và nền kinh tế.
Tôi đánh giá cao tọa đàm của Báo Người Lao Động khi đã góp tiếng nói phần nào giúp các nhà đầu tư tham gia thị trường có cơ sở nhìn nhận, đánh giá và tỉnh táo quyết định đầu tư sáng suốt, tránh tình trạng tạo ra biến động không cần thiết, thậm chí gây ra những hậu quả nặng nề. Đặc biệt, cần tiếng nói để tạo ra thị trường thật sự minh bạch, tạo ra kênh dẫn vốn cho nền kinh tế.
. Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH, Phó Giám đốcNgân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM:
Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH
Tác động tích cực đến ngân hàng niêm yết
Sự điều chỉnh trong thị trường chứng khoán thời gian qua chỉ là ngắn hạn. Giá trị cốt lõi là trong những tháng đầu năm 2022, ngành ngân hàng tăng trưởng ổn định, kết quả kinh doanh tốt, nợ xấu được kiểm soát… Đặc biệt, hoạt động tín dụng và phát triển dịch vụ ngân hàng tiếp tục tăng trưởng khá, gắn với quá trình phục hồi kinh tế TP HCM. Bốn tháng đầu năm, nợ tín dụng tăng khoảng 7%, kết quả kinh doanh của ngân hàng tương đối tốt. Các ngân hàng niêm yết có kết quả minh bạch, công khai trên thị trường. Đây là các chỉ số tham chiếu để các nhà đầu tư tham khảo trước khi ra quyết định đầu tư.
Về dài hạn, sự phát triển thị trường chứng khoán tác động tích cực đến ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết, hiệu quả đối với chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Bản chất của ngân hàng là đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn, thị trường vốn đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn. Sự phát triển hoàn thiện này sẽ hỗ trợ cho phát triển kinh tế bền vững.
. PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế:
PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH
Chấn chỉnh thị trường trái phiếu
Thị trường chứng khoán Việt Nam có những đặc tính riêng như nhà đầu tư cá nhân chiếm tỉ lệ lớn, mua bán theo đám đông, kiến thức về thị trường mỏng, nhận thức về thị trường tương đối thấp… Cần thiết nâng cao trình độ kiến thức để tránh bị các "đội lái" lôi kéo vào quá trình làm giá của họ.
Ở thị trường trái phiếu, với các DN niêm yết, việc phát hành trái phiếu tương đối bài bản, song việc phát hành trái phiếu của các DN chưa niêm yết lại có vấn đề. Vì vậy, việc chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu rất quan trọng nhằm nâng cao niềm tin của DN và các nhà đầu tư vào thị trường này. Đó cũng là động lực giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững và trở thành kênh cung cấp vốn cho nền kinh tế trong thời gian tới.
. PGS-TS NGUYỄN VĂN TRÌNH, chuyên gia kinh tế, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Võ Trường Toản:
PGS-TS NGUYỄN VĂN TRÌNH
Phải kiểm soát chất lượng DN niêm yết
Biến động trên thị trường chứng khoán thời gian qua do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, vĩ mô lẫn vi mô. Trong đó, thị trường sụt giảm một phần do nhà đầu tư lo ngại lạm phát nên cần tìm biện pháp để ngăn ngừa, kiểm soát lạm phát.
Hiện dòng vốn đến từ 2 kênh là ngân hàng và chứng khoán. Trong đó, vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán, nói nôm na là "hùn vốn", DN có lãi thì trả cho nhà đầu tư, được coi là nguồn vốn bền vững và có ý nghĩa với sự phát triển của nền kinh tế. Thời gian qua, dòng vốn đi hơi khập khiễng khi dựa chủ yếu vào ngân hàng.
Để chứng khoán trở thành kênh hút vốn trung và dài hạn, cần phải kiểm soát được chất lượng niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cùng với đó, kiểm soát việc tăng vốn ảo. Chúng ta cũng cần tính toán lại tỉ trọng các DN trong nhóm VN30 và VN-Index; xem xét phiên ATO (mở cửa) và ATC (đóng cửa) có cần thiết không… Đặc biệt, xem xét lại quy định cho nhà đầu tư thực hiện giao dịch và tạo thêm sản phẩm mới cho thị trường.
. TS TÔ ĐÌNH TUÂN,Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:
TS TÔ ĐÌNH TUÂN
Cần giải pháp căn cơ để thị trường phát triển bền vững
Thị trường chứng khoán là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế nhưng đang biến động mạnh. Một số cán bộ cơ quan chứng khoán và người tham gia trực tiếp chỉ đạo làm giá thị trường đã bị xử lý. Tuy nhiên, tình trạng lợi dụng, thao túng thị trường vẫn còn diễn ra khiến nhà đầu tư hoang mang, một số nhà đầu tư nhỏ lẻ rời thị trường, tính thanh khoản của thị trường sa sút nghiêm trọng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 2 thập kỷ phát triển và được đánh giá cao trong khu vực. Về quy mô giao dịch, thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt qua Singapore, đứng thứ 2 ASEAN, sau Thái Lan. Vấn đề là làm sao để thị trường phát triển bền vững, minh bạch, công bằng trong tương lai để nhà đầu tư trong và ngoài nước có kênh đầu tư lành mạnh và nền kinh tế có kênh dẫn vốn an toàn, bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế.
Hy vọng tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững" do Báo Người Lao Động tổ chức sẽ đưa ra được những giải pháp căn cơ để xây dựng, phát triển thị trường ngày càng lớn mạnh, bền vững.
. TS VŨ ĐÌNH ÁNH, chuyên gia tài chính:
TS VŨ ĐÌNH ÁNH
Đến lúc thay đổi chất về quản lý
Quy mô thị trường chứng khoán đang xấp xỉ 100% GDP với xấp xỉ 5 triệu tài khoản. Trong số gần 1.000 mã cổ phiếu đang niêm yết, phần lớn là những DN hàng đầu Việt Nam. Có thể khẳng định quy mô thị trường từ phía cung hàng hóa và phía cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước và giá trị thị trường chứng khoán đã tương xứng trình độ phát triển cũng như quy mô nền kinh tế.
Quy mô thị trường đã tăng trưởng vượt trội, trong khi hệ thống quản lý cả về thể chế chính sách, tổ chức bộ máy, con người, công nghệ... đều có những yếu tố không theo kịp. Phải ngay lập tức nâng cao chất lượng quản lý thị trường chứng khoán, chống hành vi nội gián, thao túng gắn với phát triển công nghệ để thích hợp với quy mô phát triển của thị trường. Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, công ty chứng khoán và nhà đầu tư. Nếu xử lý tốt vấn đề này, thị trường sẽ phát triển tốt, trở thành kênh thu dẫn vốn phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
. Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI):
Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI
Thu hút đầu tư để VN-Index tăng lên 2.000 điểm
So với thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam đang rẻ với tiềm năng lớn từ khối DN tư nhân và DN nước ngoài. Với tiềm lực kinh tế của Việt Nam, VN-Index có thể lên 2.000 điểm nhưng phụ thuộc vào môi trường đầu tư. Quy định pháp luật hiện còn lỗ hổng, khiếm khuyết và các nhà hoạch định chính sách cần tiếp cận các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, hiệp hội, chuyên gia... để lấy ý kiến, từ đó sớm có giải pháp ngắn hạn và dài hạn cho thị trường.
Giải pháp cấp thiết trước mắt là cần hạ mức giao dịch ký quỹ nhằm tránh áp lực tài chính cho nhà đầu tư, giúp họ không bị bán tháo hay "cháy" tài khoản khi bị call margin (công ty chứng khoán đề nghị khách hàng nộp tiền hoặc tăng số lượng chứng khoán thế chấp - PV). Ngoài ra, cần quản lý đội ngũ môi giới chứng khoán một cách chuyên nghiệp bởi hiện nay, nhiều môi giới chưa được đào tạo bài bản nhưng lại được nhà đầu tư phó thác tài khoản, dễ dẫn đến tình trạng "cháy" tài khoản.
. Bà NGUYỄN HOÀI THU, Thành viên HĐQT, Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư chứng khoán đại chúng và trái phiếu Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital:
Bà NGUYỄN HOÀI THU
Niềm tin của nhà đầu tư ngoại
Các nhà đầu tư quốc tế nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn trong cả ngắn và dài hạn. Việc thanh lọc một số lãnh đạo DN trên thị trường chứng khoán vừa qua được nhà đầu tư ngoại đánh giá là tốt cho dài hạn nên họ không nao núng. Từ bán ròng, họ đã chuyển sang mua ròng 170 triệu USD từ đầu tháng 4.
Để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, bền vững, cơ quan quản lý cần có cơ chế theo dõi những biến động bất thường về giá cổ phiếu và giải trình sớm bởi việc tăng giá bất thường chỉ có 2 lý do là giao dịch nội gián và cố tình bơm thổi giá cho nhóm nhỏ nhà đầu tư trục lợi. Ngoài ra, cần quy định rõ hơn về quy chế chia sẻ thông tin từ DN sao cho công bằng với tất cả các nhà đầu tư và cấm để cổ đông nội bộ bình luận giá cổ phiếu mà họ đang nắm giữ. Về phía nhà đầu tư, nên xem chứng khoán là kênh đầu tư nghiêm túc, dài hạn.
. Ông PHAN QUỐC BỬU, Giám đốc Phân tích ngành BSC khu vực phía Nam, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC):
Ông PHAN QUỐC BỬU
Thị trường cần thời gian để phục hồi
Nhóm nhà đầu tư mới tham gia thị trường (F0) rất nhạy cảm trước những thông tin tích cực lẫn tiêu cực. Việc xử lý minh bạch các vụ việc sai phạm của Chính phủ giúp thị trường tăng tính bền vững trong dài hạn. Nhưng trong ngắn hạn, tôi cho rằng thị trường cần tương đối nhiều thời gian trước khi đạt mục tiêu cao hơn.
Một số điểm tích cực là lợi nhuận quý I/2022 của các DN niêm yết vẫn tăng 38,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tăng trưởng 22% so với cùng kỳ. Xét về định giá thị trường, hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu (P/E) của năm 2022 đang ở mức 10-11 lần, là mức rất hấp dẫn, đã thu hút khối ngoại quay lại mua ròng 180-200 triệu USD trong thời gian qua. Do đó, thị trường chứng khoán sẽ đi lên trong dài hạn dù có sự thay đổi về mặt bản chất của thị trường.