Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo trong chuyển đổi số
Với quyết tâm đến năm 2025 sẽ trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, doanh nghiệp chuyển đổi số chiếm 50% trở lên… Thanh Hóa khẳng định lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động.
Sáng ngày 24-5, tại Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tỉnh Thanh Hóa, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ TT-TT tổ chức hội nghị "Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa". Hội nghị cũng tổ chức trực tuyến tại 27 huyện, thị xã, TP.
Hội nghị "Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa" được UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ TT-TT tổ chức sáng nay 24-5
Hội nghị này sẽ tập trung vào các nội dung như: CĐS - xu hướng tất yếu của doanh nghiệp (DN) tỉnh Thanh Hóa trong hội nhập và phát triển; Chương trình CĐS Quốc gia, về kinh tế số; Giới thiệu về chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS; giới thiệu các nền tảng CĐS và hướng dẫn các DN triển khai thực hiện; CĐS trong DN của Tổng Công ty MobiFone; thách thức của lãnh đạo DN trong kỷ nguyên số…
Thông qua hội nghị, tỉnh Thanh Hóa mong muốn các DN hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng về CĐS, kinh tế số đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp DN tiếp cận các dịch vụ, giải pháp sử dụng nền tảng số để CĐS trong DN, đưa công nghệ số trở thành một trong những yếu tố quan trọng, sống còn của DN trong thời đại ngày nay.
Đại diện Bộ TT-TT, tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa dự hội nghị
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa, trong những năm qua, được sự quan tâm của Bộ TT-TT, các bộ ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của cộng đồng DN và người dân, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung, chuyển đổi số trong các DN nói riêng từng bước đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tính đến nay, Thanh Hóa đã có 28.512 DN đăng ký thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt trên 190,4 ngàn tỉ đồng, vốn điều lệ đăng ký bình quân đạt 6,68 tỉ đồng/DN. Các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã và đang đóng góp tích cực vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn NLĐ trên địa bàn tỉnh.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa, phát biểu
Cụ thể, 100% DN của tỉnh đã thực hiện ký số, thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế như kê khai thuế, nộp thuế, gia hạn thuế và hoàn thuế; 85% DN đã sử dụng hóa đơn điện tử trên tổng số 14.998 DN, tổ chức đang hoạt động, đủ điều kiện triển khai hóa đơn điện tử.
Có 70% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ và qua phương tiện điện tử; 50% các DN cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông trên địa bàn tỉnh thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện điện tử...
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa - Phó ban chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa, cho biết CĐS là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với mỗi quốc gia, tổ chức, DN và người tiêu dùng trong nước cũng như trên toàn thế giới.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ TT-TT, phát biểu tại hội nghị
"Xác định được tầm quan trọng, yêu cầu cấp thiết của CĐS trong DN, mang lại sức sống mới, tầm vóc mới của các DN trong thời kỳ CĐS nên Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các DN CĐS. Trong đó, Bộ TT-TT đã có quyết định phê duyệt chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ CĐS; HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng có nghị quyết hỗ trợ DN trên địa bàn giai đoạn 2022-2026. Trong đó, có 3 chính sách hỗ trợ cho các DN CĐS với số tiền tối đa 55 triệu đồng/DN nhỏ và 110 triệu đồng/DN vừa"- ông Quyết thông tin.
Cũng theo Phó ban chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa, để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ CĐS cho các DN trên địa bàn trong thời gian tới, Thanh Hóa cần tập trung triển khai rất nhiều các giải pháp, trong đó ngoài tiếp thu những ý kiến phân tích, đánh giá, định hướng trong hội nghị thì các DN cần chủ động phối hợp với các DN có các phần mềm, giải pháp công nghệ để được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trong DN mình cho phù hợp với điều kiện thức tế, hiệu quả trong hoạt động. Đồng thời, lưu ý các DN, hiện nay Bộ TT-TT đã công bố 35 nền tảng CĐS để phục vụ CĐS cho các cơ quan, tổ chức, DN nên cần ưu tiên lựa chọn các nền tảng đã được Bộ TT-TT công bố để ứng dụng CĐS trong DN mình.
Ông Đới Sỹ Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, thông tin công tác CĐS trong cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh
Theo ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa, cho rằng hoạt động CĐS trong DN trên địa bàn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế, ông Liêm yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP nhanh chóng tổ chức triển khai các chương trình hỗ trợ DN trong CĐS nhằm đảm bảo các mục tiêu mà Nghị quyết số 06 của tỉnh đã đề ra.
Đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về CĐS trong cộng đồng DN và có chính sách hỗ trợ cho DN các địa phương trong CĐS; Đồng thời, ông Liêm cũng đề nghị Bộ TT-TT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa thực hiện CĐS, đặc biệt vấn đề CĐS trong DN.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết với quyết tâm, phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa sẽ trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về CĐS; kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh; DN CĐS chiếm 50% trở lên tổng số DN có phát sinh thuế; 6 huyện, thị xã, TP trở lên và 300 xã, phường, thị trấn trở lên hoàn thành CĐS, theo bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa tỉ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt từ 50% trở lên... Quan điểm chỉ đạo của Thanh Hóa lấy người dân, DN là trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của DN, người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động.
Tỉnh Thanh Hóa luôn luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh CĐS nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy giá trị đổi mới sáng tạo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại"- ông Liêm khẳng định.