Chuẩn bị cho nền kinh tế tương lai
Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) là một bộ tiêu chuẩn cho nền kinh tế số, chuỗi cung ứng, thực phẩm bền vững…
Tổng thống Joe Biden hôm 23-5 thông báo khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) với sự tham gia của 13 quốc gia, nhằm tăng kết nối kinh tế trong khu vực.
Phát biểu trong chuyến thăm thủ đô Tokyo - Nhật Bản, ông Biden cho biết: "Tương lai của kinh tế thế kỷ XXI phần lớn sẽ được viết ra ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong khu vực của chúng ta. Chúng ta sẽ lập ra các quy tắc mới".
Nhà Trắng cho hay IPEF không đề cập việc miễn trừ thuế quan cho các quốc gia tham gia và tăng khả năng tiếp cận thị trường Mỹ nhưng đề ra hướng giải quyết nhiều vấn đề quan trọng từ biến đổi khí hậu đến khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và thương mại kỹ thuật số. Các nước thành viên vẫn cần thảo luận thêm chi tiết.
Theo đài CNBC, Tổng thống Biden cho rằng giải quyết lạm phát là vấn đề ưu tiên và IPEF được lập ra để giúp giảm chi phí bằng cách tăng cường sự linh hoạt của chuỗi cung ứng trong dài hạn.
Trước những ý kiến như của bà Yuki Tatsumi, thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson (Mỹ), rằng IPEF kém hấp dẫn hơn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chính quyền của Tổng thống Biden nói rõ IPEF không phải là một hiệp định thương mại tự do mà là một bộ tiêu chuẩn cho nền kinh tế số, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, khử carbon, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và thực phẩm bền vững.
Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo khác trong sự kiện công bố IPEF ở Tokyo hôm 23-5 Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, các thành viên tham gia IPEF gồm Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Úc, Brunei, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Mỹ. Hãng tin AP ước tính GDP của 13 thành viên IPEF chiếm 40% GDP toàn cầu.
Tuyên bố chung của IPEF cho biết thỏa thuận sẽ giúp các nước thành viên chuẩn bị cho nền kinh tế trong tương lai sau những gián đoạn do đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Việc công bố IPEF được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng trong chuyến công du châu Á của Tổng thống Biden và là nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ với các đồng minh Thái Bình Dương. Dù tránh né các thỏa thuận thương mại, Mỹ vẫn muốn nâng cao vị thế của mình trong lĩnh vực kinh tế ở châu Á, nơi Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn của các nước trong khu vực.
Các nỗ lực thúc đẩy kết nối lại kinh tế diễn ra trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo về sự phân mảnh kinh tế toàn cầu. Theo IMF, việc đảo ngược sự hội nhập toàn cầu sẽ khiến thế giới trở nên nghèo hơn và nguy hiểm hơn.
Giám đốc Điều hành IMF Kristalina Georgieva kêu gọi các quốc gia nên hạ thấp các rào cản thương mại để giảm bớt tình trạng thiếu hụt và giúp giảm giá hàng hóa sau khi hơn 30 quốc gia đã hạn chế thương mại lương thực, năng lượng và các mặt hàng quan trọng khác.
Mang lại lợi ích thiết thực
Phát biểu tại lễ công bố khởi động thảo luận về IPEF, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh mô hình tăng trưởng, liên kết kinh tế theo hướng bền vững hơn, tự cường hơn, phát huy tối đa nội lực, kết hợp với tối ưu hóa ngoại lực; đề cao chủ nghĩa đa phương và tăng cường đoàn kết quốc tế.
Theo Thủ tướng, sự kiện này sẽ thúc đẩy các nước tích cực trao đổi, thảo luận nghiêm túc, chung tay xử lý các vấn đề quan trọng có tính khu vực, toàn cầu như đa dạng và bền vững chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, thương mại điện tử, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, phát triển xanh, các vấn đề về thuế và chống tham nhũng, tiêu cực…
Thủ tướng khẳng định Việt Nam kiên định đường lối và đang đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việt Nam cũng tham gia nhiều sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế, tích cực đóng góp nhằm đẩy nhanh phục hồi kinh tế và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng cho rằng trong quá trình thảo luận về IPEF, cần hướng đến một khuôn khổ hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đây cần là một quá trình mở, bao trùm, cân bằng, phù hợp với luật pháp quốc tế, đáp ứng lợi ích hợp pháp và chính đáng của các bên liên quan.
Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN và các đối tác liên quan tiếp tục làm rõ hơn nội hàm của các trụ cột hợp tác, đem lại một chương trình nghị sự kinh tế tích cực, hiệu quả, khả thi cho khu vực và cho mỗi nước.
Dương Ngọc
Cảnh báo "trục lợi khủng hoảng"
Báo cáo ngày 23-5 của Liên minh quốc tế Oxfam - gồm 20 tổ chức từ hơn 90 quốc gia, đấu tranh chống lại nghèo đói và bất công - nhấn mạnh các chính phủ cần hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng bất bình đẳng gia tăng nổi lên từ đại dịch Covid-19 và tiếp tục kéo dài với sự tăng giá năng lượng và thực phẩm.
Trích dẫn báo cáo, kênh CNBC cho biết hiện nay cứ mỗi 30 giờ thế giới xuất hiện thêm 1 tỉ phú, đồng thời có 1 triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực. Tổng số tỉ phú trên thế giới tính đến tháng 3-2022 là gần 2.700 người, còn tổng số người rơi vào cảnh nghèo cùng cực có thể chạm mốc 263 triệu vào năm 2022.
Được đưa ra ngay ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos - Thụy Sĩ, thống kê nêu trên chỉ ra rằng tài sản của các tỉ phú tính tới tháng 3-2022 ước khoảng 12.700 tỉ USD, chiếm gần 14% tổng GDP toàn cầu năm 2021. Tài sản của các tỉ phú ngành thực phẩm và năng lượng tăng thêm 435 tỉ USD trong 2 năm qua trong khi ngành dược phẩm có thêm 40 tỉ phú mới. Oxfam nhấn mạnh đó chính là sự "trục lợi khủng hoảng".
Theo Reuters, Oxfam đề xuất một mức thuế tài sản vĩnh viễn hằng năm - từ 2% đối với triệu phú, 5% đối với các tỉ phú - và nhờ đó có thể thu về 2.520 tỉ USD/năm. Khoản thu này đủ để đưa 2,3 tỉ người thoát khỏi đói nghèo, mua vắc-xin cho toàn nhân loại cũng như chăm sóc sức khỏe toàn dân ở các nước thu nhập trung bình và thấp.
Anh Thư