• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam

Những năm gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam có sự phát triển tích cực, nhất là việc ứng dụng có chiều sâu mô hình đổi mới sáng tạo và các hoạt động dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, đào tạo giáo dục và kinh doanh. Tuy nhiên, việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn bộc lộ một số hạn chế bởi hành lang pháp lý chưa đầy đủ, môi trường đầu tư, kinh doanh còn một số "điểm nghẽn", ảnh hưởng đến huy động các nguồn lực. Bài viết này, nghiên cứu thực trạng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay, qua đó, đề xuất các giải pháp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của khởi nghiệp sáng tạo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết này xác định 10 nguyên tắc chủ đạo, trong đó có 5 nguyên tắc liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm: Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân; thực hiện chủ trương nhà nước kiến tạo lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm sự nhất quán dễ dự báo của chính sách; Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp; Có chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016, về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, với mục tiêu khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Tiếp đó, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Trong đó nhấn mạnh: "Xây dựng và phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, ngành, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với các khu công nghệ cao, khu dân cư, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu…".

Ngoài ra, một số nội dung quan trọng của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã và đang được triển khai thực hiện như: Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã xây dựng và đưa vào thực hiện, phát triển khu công nghiệp thông tin tập trung và khu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo được thực hiện ở 3 thành phố lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) và một số địa phương…

Như vậy, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến hoạt động khởi nghiệp đã từng bước được hình thành và dần hoàn thiện .

Đảng và Nhà nước xác định việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp về cả số lượng, quy mô và chất lượng, đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo là những giải pháp quan trọng để thực hiện đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

Trong những năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp bắt đầu có những tiến triển đáng khích lệ, đặc biệt là sau khi có chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những ứng dụng vượt trội hỗ trợ lựa chọn phương án kinh doanh, tiếp cận thị trường huy động các nguồn lực; nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết, đã mở rộng không gian phát triển… tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, phát triển những ngành, lĩnh vực, các sản phẩm, dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế so sánh.

Sự phát triển rõ nét nhất của hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Việt Nam trong năm qua chính là việc ứng dụng có chiều sâu mô hình đổi mới sáng tạo vào các hoạt động dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe, đào tạo giáo dục, kinh doanh... Ngoài ra, những lĩnh vực dịch vụ như là thanh toán, tài chính, logistics cũng được tăng cường ứng dụng.

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang hình thành rất nhiều hiệp hội, các cơ sở về những lĩnh vực chuyên sâu. Các trường đại học cũng hướng đến đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với sự ra đời của nhiều trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, các chương trình huấn luyện. Mạng lưới cố vấn của Việt Nam cũng phong phú hơn, đặc biệt là kiều bào ở nước ngoài. Điều này cho thấy sự tăng trưởng rất tốt cả về chiều sâu lẫn chiều rộng của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển trong trạng thái bình thường mới và giải quyết các bài toán lớn của nền kinh tế, đó là nền kinh tế chuyển đổi số, nền kinh tế ứng dụng những mô hình đổi mới sáng tạo.

Năm 2021, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy. Hơn 1,5 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở nước ta hiện nay có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, hơn 140 trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng tham gia tích cực vào hoạt động này.

Năm 2022, gắn với hoạt động Techfest – một sự kiện thường niên của Chính phủ dành cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Việt Nam hình thành 34 làng công nghệ, tăng 19 làng công nghệ so với năm 2021, chủ yếu là Blockchain (công nghệ chuỗi – khối), AI (trí tuệ nhân tạo), kinh tế tuần hoàn, những mô hình đột phá trong giải quyết vấn đề môi trường, phát triển xanh và bền vững. Song song với đó là sự vào cuộc của các tập đoàn, các hãng lớn về ứng dụng công nghệ xanh.

Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ghi nhận Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất về hệ sinh thái khởi nghiệp trong thập kỷ qua. Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 do WIPO công bố cũng cho thấy Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế, giữ vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7) và Thái Lan (thứ 43).

Hiện nay, Việt Nam có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập. Có 108 quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt. Những con số này liên tục tăng trong những năm vừa qua cho thấy sự tham gia tích cực của cộng đồng vào phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Theo nhận định của tổ chức đánh giá khởi nghiệp Startup Blink, năm 2022, hệ sinh thái này của Việt Nam xếp ở vị trí 54 trên thế giới, thứ 12 khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khá tích cực nhưng hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam còn bộc lộ một số hạn chế sau:

Một là, hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp chưa đầy đủ, còn thiếu một số quy định đặc thù cho hoạt động khởi nghiệp như đăng ký mã ngành, huy động vốn cộng đồng, vốn đối ứng từ Nhà nước cho các quỹ đầu tư tư nhân.

Hai là, mặc dù môi trường đầu tư, kinh doanh đã được cải thiện, nhưng vẫn còn một số điểm nghẽn, ảnh hưởng đến việc huy động các nguồn lực khởi nghiệp, như: thị trường quyền sử dụng đất, các sản phẩm công nghệ, lao động chất lượng cao.

Ba là, chuyển đổi số mang lại những tiện ích cho hoạt động khởi nghiệp, nhưng việc triển khai ứng dụng còn chậm, chủ yếu thực hiện ở một số địa phương, thành phố lớn. Cùng với đó, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp, ví dụ như: truyền thông, tiếp nhận chính sách, thành lập và quản lý các quỹ hỗ trợ đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm; giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các vườn ươm khởi nghiệp để hình thành các giải pháp đồng bộ và có tính khả thi cho hoạt động khởi nghiệp.

Bốn là, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp quan trọng đối với kinh tế, nhưng Việt Nam chưa tận dụng tốt cơ hội tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm, liên kết với các nước trong khu vực và toàn cầu.

Năm là, các doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng khởi nghiệp còn gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Thông qua việc phân tích đánh giá thực trạng phát triển của hệ sinh thái Việt Nam ở 2 phương diện là kết quả đạt được và tồn tại hạn chế, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm đưa hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ngày càng đạt nhiều thành tựu, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Thứ nhất, nhận thức đầy đủ hơn vai trò của khởi nghiệp, là động lực đối với phát triển đất nước. Bên cạnh đó, tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến khởi nghiệp, qua đó khơi dậy niềm tin và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. Xây dựng, hình thành văn hóa khởi nghiệp sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, vun đắp cho thế hệ trẻ khát vọng, ý chí bền bỉ, lạc quan để vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Thứ hai, quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, trong đó, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các cơ sở giáo dục, đào tạo để tạo nguồn doanh nhân khởi nghiệp trẻ có tư duy mới, sáng tạo, bản lĩnh, có đạo đức nghề nghiệp và được trang bị, bồi dưỡng đầy đủ kiến thức, kỹ năng quản trị kinh doanh hiện đại nhằm nâng cao chất lượng các dự án khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách hỗ trợ mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo nhằm kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với các trường đại học, các viện nghiên cứu, chuyên gia tư vấn, vườn ươm khởi nghiệp, quỹ hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, quỹ đầu tư mạo hiểm.

Thứ ba, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích khởi nghiệp ở những ngành, lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế phát triển, như nông nghiệp, du lịch, khám, chữa bệnh, công nghệ thông tin... Có cơ chế tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp có điều kiện tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Cần khuyến khích, thu hút và tạo động lực cho các tập đoàn trong nước, trung tâm hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư phát triển, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ trên trong nước mà còn mang tầm khu vực.

Thứ tư, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, đẩy mạnh liên kết với mạng lưới các chuyên gia, cố vấn, nhà đầu tư mạo hiểm, các quỹ đầu tư khởi nghiệp trong nước và quốc tế để thu hút và huy động nguồn lực trong nước và quốc tế hỗ trợ cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các chương trình trao đổi startup, thu hút các quỹ đầu tư về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo thương hiệu và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thứ năm, tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tổ chức các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp có dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; quản lý, vận hành, khai thác cơ sở hạ tầng của địa phương phục vụ cho họạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Sự thật, Hà Nội;
  2. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”;
  3. Bộ Khoa học và Công nghệ (2019), Đề án “Phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia”;
  4. Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (2021), Xây dựng và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp: vai trò của chính sách chính phủ, truy cập từ https://vista.gov.vn;
  5. Dan Senor & Saul Singer (2013), Quốc gia khởi nghiệp-câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ Israen, Nxb Thế giới, Hà Nội.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2023

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...