• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dữ liệu số đóng vai trò quan trọng trong huy động nguồn lực đảm bảo nền tài chính quốc gia bền vững

Theo TS. Nguyễn Thanh Nga - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, dữ liệu số đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành Tài chính nói chung và huy động nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững nói riêng. Đảm bảo chất lượng dữ liệu là nền tảng quan trọng trong quá trình đổi mới quản lý thu ngân sách, xây dựng cơ chế chính sách huy động, phát triển nguồn lực và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo nền tài chính quốc gia bền vững.

Bộ Tài chính cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đối với lĩnh vực tài chính.

Bộ Tài chính cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đối với lĩnh vực tài chính.

Tăng tính chính xác trong quản lý thuế và hải quan

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã xác định: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Thực hiện Chiến lược này, ngành Tài chính đã tiên phong chủ động triển khai Kế hoạch Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu gắn chuyển đổi số với xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững.

Theo đó, Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhấn mạnh: “Dữ liệu là tài nguyên mới. Bộ Tài chính cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đối với lĩnh vực tài chính. Kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu”. Đây là chìa khóa quan trọng cho quá trình xây dựng, hình thành hệ sinh thái Tài chính số phong phú, hiện đại trên mọi lĩnh vực, đảm bảo huy động nguồn lực cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Tại Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước năm 2023, nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu số đối với ngành Tài chính, TS. Nguyễn Thanh Nga cho hay, dữ liệu số đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành Tài chính nói chung và công tác huy động nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững nói riêng. Đảm bảo chất lượng dữ liệu và tăng cường quản lý dữ liệu là một nền tảng quan trọng trong quá trình đổi mới quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN), xây dựng cơ chế chính sách huy động, phát triển nguồn lực và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo nền tài chính quốc gia bền vững.

Chia sẻ thông tin về kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (bigdata) phục vụ phân tích, quản lý thuế theo nguyên tắc quản lý rủi ro, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, mục tiêu quản lý rủi ro về thuế là thu đủ nguồn thu thuế, qua đó, cơ quan thuế xác định rủi ro tiềm ẩn trong các quy trình quản lý thuế, áp dụng đánh giá rủi ro để tập trung xử lý các vấn đề trọng điểm; sử dụng cách tiếp cận can thiệp sớm để nâng cao nhận thức cho người nộp thuế và tác động đến sự tuân thủ nghĩa vụ thuế tự nguyện. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ công tác đánh giá rủi ro nhằm phát hiện và ngăn chặn gian lận, trốn thuế, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Theo TS. Nguyễn Thanh Nga, việc sử dụng dữ liệu số, áp dụng công nghệ hiện đại cho phép tăng tính chính xác trong quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính mà tiêu biểu là lĩnh vực quản lý thuế và hải quan. Xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác, đầy đủ, kịp thời, góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý và giảm thiểu các rủi ro trong ngành Tài chính nói chung, lĩnh vực thuế, hải quan nói riêng.

Cụ thể, việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Thuế, tiến tới cơ chế tự động kiểm tra chéo một cách có hệ thống các thông tin từ bên thứ ba nhằm phát hiện các nội dung tiềm ẩn rủi ro dẫn tới sai lệch trong hồ sơ khai thuế; hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu ngành thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ quan quản lý nhà nước, các bên có liên quan, ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ nhằm xử lý tự động quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, quản lý rủi ro thuế, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế, điều tra thuế…

Đối với lĩnh vực hải quan, việc sử dụng các hệ thống hải quan tự động tạo thuận lợi cho thương mại thông qua việc chuẩn hóa các biểu mẫu và chứng từ, chuẩn hóa dữ liệu, đơn giản hóa và tin học hóa các thủ tục thông quan để đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa. Tối ưu hóa, tự động hóa và số hóa các quy trình, thủ tục và nghiệp vụ trong lĩnh vực hải quan là nền tảng của quá trình hiện đại hóa và hình thành hệ thống dữ liệu chất lượng cao nhằm triển khai các hệ thống quản lý rủi ro mạnh mẽ và hiệu quả. Hệ thống hải quan đổi mới theo hướng tự động hóa các quy trình, nghiệp vụ còn góp phần cung cấp cho Chính phủ số liệu thống kê chính xác và kịp thời về số thu ngân sách và tình hình ngoại thương của mỗi quốc gia.

Nhờ đó, một mặt việc thu thuế và các nghĩa vụ được đảm bảo minh bạch, chính xác, giảm thiểu gian lận, cải thiện mối quan giữa cơ quan hải quan và khu vực tư nhân, đồng thời xây dựng được một cơ sở dữ liệu thống kê cho các mục đích chính sách kinh tế và tài khóa.

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý tài chính – ngân sách nhà nước

Thời gian gian qua, công tác cải cách hiện đại hóa các quy trình, nghiệp vụ của Bộ Tài chính đã ngày càng thực chất hơn, hướng tới hiện đại, bao quát đầy đủ các lĩnh vực. Hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành ngày càng hiện đại, tạo thuận lợi cho công tác quản lý tài chính - NSNN, như: Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS), hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS), hệ thống tự động hóa thủ tục hải quan và hải quan một cửa Quốc gia (VNACCS/VCIS), hệ thống quản lý nợ và phân tích tài chính (BMFAS), hệ thống trao đổi dữ liệu số ngành Tài chính (trung tâm trao đổi thông tin thu NSNN)…

TS. Nguyễn Thanh Nga chia sẻ về dữ liệu số tại Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước năm 2023.

TS. Nguyễn Thanh Nga chia sẻ về dữ liệu số tại Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước năm 2023.

Việc triển khai hạ tầng số, đặc biệt là hệ thống dữ liệu số ngành Tài chính đã góp phần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cũng như nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý tài chính - NSNN, đặc biệt là các quy trình, nghiệp vụ về huy động nguồn lực tài chính công.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Thanh Nga chia sẻ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai dữ liệu số trong công tác huy động nguồn lực tài chính và quản lý thu NSNN cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, như: hiện nay, cơ sở dữ liệu thông tin về thuế còn hạn chế, thiếu kho dữ liệu trung tâm, cơ sở dữ liệu thuế tập trung chưa được kết nối tự động với các bên thứ ba; tính liên kết giữa các hệ thống số của ngành Tài chính còn yếu, dữ liệu giữa các lĩnh vực tài chính chưa thực sự liên thông; thiếu đồng bộ trong hệ thống CNTT cốt lõi của các cơ quan thu NSNN. Quản lý thuế hiện nay được hỗ trợ bởi một hệ thống khá đồ sộ với khoảng 30 phần mềm ứng dụng chuyên biệt.

Theo TS. Nguyễn Thanh Nga - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, để đảm bảo nhiệm vụ số hóa dữ liệu trong công tác huy động nguồn lực trong thời gian tới, ngành Tài chính cần tập trung vào một số nhóm giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, thể chế hóa việc quản trị, thu thập, kết nối, lưu trữ, chia sẻ và phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin về thu ngân sách nhà nước (NSNN). Ban hành các quy định nhằm giải quyết những bất cập về kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các bộ, cơ quan đã được quy định tại một số nghị định chuyên ngành của Chính phủ cũng như nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn chia sẻ thông tin theo cơ chế một cửa quốc gia.

Thứ hai, xây dựng và triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thuế, hải quan, trong đó thiết kế kiến trúc dữ liệu tổng thể, các định dạng gói tin, danh mục, chỉ mục dữ liệu và dịch vụ dữ liệu chia sẻ, bảo đảm nguyên tắc mỗi loại dữ liệu chỉ giao một đầu mối cung cấp (bao gồm đánh giá hiện trạng và chuẩn hóa dữ liệu).

Thứ ba, đánh giá, tổng hợp, xây dựng tổng kho dữ liệu của cơ quan thuế, hải quan (gồm các kho dữ liệu: Kho dữ liệu nghiệp vụ chi tiết; kho dữ liệu nội ngành; kho dữ liệu ngoài ngành; kho dữ liệu dùng chung; kho dữ liệu phân tích tổng hợp; kho dữ liệu thống kê, báo cáo; kho dữ liệu tích hợp thông minh, hỗ trợ tác nghiệp) phục vụ quá trình thực hiện nghiệp vụ thuế, hải quan; đánh giá tình hình thu NSNN, thông tin thương mại, thuế quan, rủi ro trong thu, nộp thuế.

Thứ tư, rà soát, đánh giá hiện trạng các chứng từ, văn bản cần số hóa. Nghiên cứu, triển khai các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để thực hiện số hóa kết nối, thu thập, xử lý dữ liệu, trong đó tập trung số hóa các chứng từ, văn bản quản lý nhà nước về thuế, hải quan (bao gồm cả dữ liệu quá khứ).

Thứ năm, tăng cường thực hiện việc trao đổi, kết nối và chuyển đổi số đối với các dữ liệu, chứng từ thuộc hồ sơ thuế, hải quan từ Hệ thống một cửa quốc gia với Hệ thống xử lý dữ liệu của ngành. Phối hợp với các bộ, ngành chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, rà soát danh mục chứng từ, văn bản thuộc thủ tục hành chính chuyên ngành cần thống nhất trên cơ sở một cửa quốc gia, đảm bảo thống nhất dữ liệu số hóa ngành Tài chính.

Thứ sáu, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp và các bên liên quan đẩy mạnh việc kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu với hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan thuế, hải quan, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về thuế, hải quan và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục nộp thuế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết