• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội để bứt tốc

Sự kiện Việt Nam chào đón công dân thứ 100 triệu vào tháng 4 là dấu mốc quan trọng, ấn tượng của quốc gia.

 Ấn tượng không chỉ bởi quy mô dân số lớn mà còn bởi sự phát triển nhanh, dù hơn 60 năm qua Việt Nam đã kiên trì đẩy mạnh chính sách kế hoạch hóa gia đình.

Năm nay, dân số Việt Nam đã gấp hơn 2 lần so với thời điểm nước nhà thống nhất. Việt Nam đã vào tốp 15 nước đông dân nhất thế giới, thứ 8 ở châu Á và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Indonesia và Philippines). 

Việt Nam đã trở thành cường quốc về dân số cả quy mô và thứ bậc. Với 100 triệu dân, bên cạnh những thách thức như già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, phân bố dân số ngày càng không đồng đều, xu hướng di cư, tích tụ dân số vào các đô thị lớn…, Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để phát triển nhanh trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" với nguồn lao động dồi dào.

Dân số được chia thành 3 nhóm: Nhóm trẻ dưới 15 tuổi, chưa có khả năng lao động (nhóm phụ thuộc - nhóm 1); nhóm từ 15 - 64 tuổi, có khả năng lao động (nhóm 2) và nhóm cao tuổi, từ 65 tuổi trở lên, hết khả năng lao động (nhóm phụ thuộc - nhóm 3). 

Người ta gọi "cơ cấu dân số vàng" khi cứ 2 người thuộc nhóm 2 có 1 người phụ thuộc hay khi tỉ lệ nhóm 2 chiếm từ 66% tổng dân số trở lên. Năm 1979, tỉ lệ dân số nhóm 2 ở nước ta là 52,7%, năm nay tỉ lệ này là 67,5%. Đây là dư lợi lớn về lao động do "cơ cấu dân số vàng" mang lại. 

Tuy nhiên, lợi thế này chỉ mang lại cơ hội tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước nếu lực lượng lao động dồi dào nhưng không ốm đau hoặc thất nghiệp, năng suất lao động cao.

Vì vậy, để tận dụng hiệu quả cơ hội này, trước hết cần nâng cao tỉ lệ nhóm 2 có khả năng làm việc. Do kinh tế phát triển, người dân được chăm sóc về y tế nên sức khỏe tốt hơn. Năm 2021, tuổi thọ trung bình của Việt Nam là 74, thế giới là 73.

Thứ hai, bảo đảm cho nhóm 2 có việc làm. Thể chế kinh tế thị trường ngày càng hoàn thiện, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dân số đông, mật độ cao, thị trường lớn và lao động dồi dào… là những yếu tố hấp dẫn đầu tư. 

Riêng giai đoạn 1988-2021, cả nước có 38.349 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép với tổng số vốn đăng ký 524 tỉ USD. Vì vậy, nhóm 2 được bảo đảm việc làm khá đầy đủ.

Thứ ba, là nâng cao năng suất lao động. Nước ta có 67% lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ nhưng tỉ lệ này vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước phát triển (khoảng 96%-97%). 

Mặt khác, tỉ lệ lao động chưa được đào tạo chuyên môn ở bậc sơ cấp trở lên còn cao, năm 2020 khoảng 74%. Vì vậy, những năm gần đây, năng suất lao động của Việt Nam tăng nhanh nhưng năm 2020 vẫn thấp hơn Singapore 12 lần, kém Philippines 1,3 lần và Indonesia 1,2 lần.

Vì vậy, nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, tăng nhanh năng suất lao động là yếu tố quan trọng để tận dụng cơ hội "cơ cấu dân số vàng" bứt tốc phát triển kinh tế, đất nước. 


Tác giả: GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...