Chủ động kìm giá xăng dầu
Bộ Công Thương cho biết sẽ sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới.
Sau kỳ điều chỉnh ngày 1-8, xăng dầu trong nước đã có lần giảm giá thứ 4 liên tiếp. Theo đó, mỗi lít xăng RON95 giảm về mức 25.600 đồng, xăng E5RON92 có giá 24.620 đồng, đưa giá mặt hàng xăng về tương đương hồi tháng 2-2022.
20 lần điều chỉnh giá
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 20 lần, chủ yếu là tăng. Tuy nhiên, sau 4 lần giảm liên tiếp, giá xăng dầu đã góp phần hạn chế các tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng. So với cuối tháng 6, xăng RON95 rẻ hơn khoảng 7.270 đồng/lít; xăng E5RON92 hạ 6.680 đồng/lít; dầu diesel giảm 6.110 đồng/lít.
Về phía doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát - một doanh nghiệp vận tải hành khách, cho biết chi phí nhiên liệu luôn chiếm rất cao trong hoạt động vận tải, nên khi giá dầu giảm, doanh nghiệp đã phần nào "dễ thở" hơn. Bên cạnh việc cân đối các chi phí để hoạt động trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ông Bằng mong muốn cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp để giữ đà giảm giá xăng dầu, không để giá mặt hàng này ở mức cao như thời điểm tháng 6.
Để góp phần "hạ nhiệt" giá xăng dầu trong nước, đại diện Bộ Công Thương cho biết đã sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường.
Giá xăng dầu trong nước liên tục giảm trong các kỳ điều hành giá gần đâyẢnh: Minh Phong
Điều hành linh hoạt kết hợp giảm thuế
Phải nhấn mạnh rằng giá xăng dầu trong nước "hạ nhiệt" tại 4 kỳ điều hành gần nhất nằm trong bối cảnh diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới đi xuống. Giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu xuống mức sàn có tác động đến việc giảm giá xăng dầu nhưng không quá lớn. Giá bán lẻ trong nước phụ thuộc vào giá thành phẩm xăng dầu thế giới, do đó vẫn cần các giải pháp mang tính dự phòng để ứng phó kịp thời, bởi bình quân giá thành phẩm thế giới vẫn sẽ biến động bất thường.
Bộ Công Thương cũng tính đến trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao ảnh hưởng đến giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu nội địa. Khi đó, bộ sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp rà soát, đề xuất giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu.
Về giải pháp điều hành giá xăng dầu thời gian tới, đại diện Bộ Công Thương cho biết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. "Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá hiệu quả và linh hoạt bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế" - đại diện Bộ Công Thương nêu.
Nhấn mạnh đến việc điều hành giá xăng dầu linh hoạt, chuyên gia kinh tế - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng liên bộ Công Thương - Tài chính cần theo dõi giá cả thế giới để có chính sách phù hợp trong giai đoạn tới, trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức phù hợp để dự phòng những trường hợp giá xăng dầu thế giới diễn biến bất thường, tránh "cú sốc" giá trong nước. Khi đã có dư địa từ quỹ bình ổn, cơ quan điều hành giá cần tính toán để chi quỹ linh hoạt, góp phần giữ giá xăng dầu trong nước ở mức phù hợp.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, trên cơ sở đánh giá khả năng từ nguồn sản xuất trong nước, bộ sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa. Cơ quan này cũng chỉ đạo các DN kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để không gián đoạn, thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.
Hai nhà máy lọc dầu vận hành tối đa công suất
Bộ Công Thương dẫn báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho hay kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn dự kiến quý III/2022 là 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV là 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).
Hiện 2 nhà máy đều đang vận hành hết công suất, Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường.