• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hàng ngàn hecta đất đợi nhà đầu tư

Đồng Nai và Tây Ninh đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào hàng loạt dự án du lịch với diện tích đất dành sẵn lên đến hàng ngàn hecta.

UBND tỉnh Đồng Nai vừa thông tin địa phương này đã dành khá nhiều diện tích để thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Trong đó, có 6 dự án lớn với diện tích gần 1.600 ha đang được tỉnh mời gọi doanh nghiệp (DN) trong nước, nước ngoài rót vốn. Các dự án này tọa lạc ở huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Thống Nhất và Vĩnh Cửu, với tổng vốn đầu tư hơn 1,1 tỉ USD.

Những dự án trăm triệu USD

Trong 6 dự án lớn đang được tỉnh Đồng Nai mời gọi DN rót vốn, đầu tiên phải kể đến dự án du lịch thác Suối Reo thuộc địa bàn xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất). Theo UBND tỉnh Đồng Nai, khu vực này nằm giáp hồ Trị An nên rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái gắn với hồ, thác và thiên nhiên. Đặc biệt, hiện huyện Thống Nhất đã quy hoạch diện tích đất hơn 100 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 434 triệu USD. Kế đến là dự án điểm du lịch hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú) có diện tích 760 ha, vốn đầu tư 170 triệu USD; dự án điểm du lịch hồ Bà Hào (huyện Vĩnh Cửu) khoảng 420 ha, vốn đầu tư 170 triệu USD; khu safari (huyện Vĩnh Cửu) 412 ha, vốn đầu tư 130 triệu USD. Riêng huyện Xuân Lộc có 2 dự án du lịch lớn là khu du lịch hồ Núi Le 112 ha, vốn đầu tư 110 triệu USD và điểm du lịch hồ Gia Ui 47 ha, vốn thực hiện 90 triệu USD.

Hàng ngàn hecta đất đợi nhà đầu tư - Ảnh 1.

Dự án khu du lịch hồ Núi Le có diện tích 112 ha, với vốn đầu tư 110 triệu USD .Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Ngoài 6 khu du lịch có diện tích, vốn đầu tư lớn trên thì các huyện, TP Long Khánh, TP Biên Hòa cũng quy hoạch diện tích đất cho vài chục điểm du lịch khác với diện tích lên đến gần 1.000 ha để mời gọi đầu tư.

Ở Tây Ninh cũng không thua kém. Ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết hiện địa phương này đang quy hoạch dự án du lịch quan trọng là Khu Du lịch quốc gia núi Bà Đen, với quy mô lập quy hoạch là 2.903,79 ha. Theo quy hoạch, việc đầu tư xây dựng Khu Du lịch quốc gia núi Bà Đen được thực hiện theo 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1, đến năm 2025 sẽ tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch tại các khu chức năng có không gian đặc trưng nhằm thu hút khách du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch, tạo động lực phát triển đồng bộ toàn khu du lịch. Giai đoạn 2, từ sau năm 2025 đến năm 2035 sẽ đầu tư xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng các khu chức năng và quản lý phát triển theo quy hoạch xây dựng được duyệt.

Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh đang đẩy mạnh phát triển khu du lịch lịch sử về nguồn ở Trung ương Cục miền Nam (tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) có diện tích khoảng 1.765 ha và hướng tới khu quy hoạch đa mục tiêu, trong đó có phát triển du lịch hồ Dầu Tiếng, cụ thể là dự án bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp với du lịch sinh thái tại đảo Nhím được nhà đầu tư đề xuất thực hiện trên diện tích trên 400 ha.

Nhiều lợi thế và ưu đãi

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong, một trong những yếu tố không thể thiếu để mời gọi nhà đầu tư là phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Hiện nay tỉnh đang ráo riết thực hiện, đó là đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các dự án kết nối Tây Ninh với các tỉnh giáp ranh và các dự án trọng điểm như cao tốc TP HCM - Mộc Bài, đường kết nối từ ĐT.784 (Tây Ninh) đến ĐT.744 (Bình Dương)… Đặc biệt, thực hiện đầu tư các dự án giao thông theo quy hoạch và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, chú trọng các tuyến đường kết nối các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, các trục giao thông chính của TP Tây Ninh.

Bên cạnh đó, Tây Ninh đang nghiên cứu đưa vào khai thác các tuyến vận tải khách cố định, xe buýt kết nối đến các khu du lịch, điểm du lịch. Đáng chú ý nhất là phối hợp Sở Giao thông Vận tải TP HCM nghiên cứu phương án mở tuyến xe buýt chất lượng cao từ Tây Ninh đi các quận nội thành TP HCM. "Quan trọng nhất, Tây Ninh luôn có chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển du lịch" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng tỉnh có vị trí địa lý chiến lược, kết nối giao thông thuận lợi, cùng với cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được xây dựng dự kiến đưa vào khai thác trong hơn 3 năm tới. "DN đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực du lịch có nhiều cơ hội để thành công, bởi trong tương lai Đồng Nai sẽ trở thành trung tâm phát triển mới của quốc gia" - bà Nguyễn Thị Hoàng phân tích.

Tuy địa phương có nhiều điều kiện để DN thành công nhưng để mời gọi các nhà đầu tư rót vốn vào các dự án du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định địa phương có những ưu đãi trực tiếp cho các nhà đầu tư và cam kết sẽ tạo môi trường đầu tư thông thoáng, an toàn và chuyên nghiệp để DN triển khai nhanh các dự án. 

Đã sẵn sàng

Theo ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), huyện đã và đang trải thảm đỏ và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đón DN trong nước và nước ngoài có năng lực tài chính, uy tín đầu tư vào các khu du lịch trên địa bàn. "Hai dự án ở huyện Thống Nhất nêu trên rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái gắn với hồ, thác và thiên nhiên. Để thúc đẩy phát triển du lịch cho địa phương, huyện đã quy hoạch các tuyến đường nối từ Quốc lộ 20 vào khu vực ven hồ Trị An" - Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho hay.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, khẳng định huyện đã và đang xây dựng các kịch bản phù hợp theo từng dự án cụ thể để mời gọi các nhà đầu tư. Ngoài 2 dự án lớn là hồ Núi Le và hồ Gia Ui, huyện cũng quy hoạch thêm một số điểm du lịch khác tại các xã để khai thác hết các tiềm năng sẵn có.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...