• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lo cho Thể Công Viettel ở sân nhà mới

Mùa giải 2024-2025, Thể Công Viettel sẽ có sân nhà xịn hơn bất kỳ câu lạc bộ nào khác ở V.League, nhưng thực ra đó lại là điều đáng lo.

Lo cho Thể Công Viettel ở sân nhà mới

Thể Công Viettel và Hà Nội FC từng đá vòng cuối V.League 2023 trên sân Mỹ Đình. Ảnh: VPF

Rời nhà Hàng Đẫy

Trước năm 2023, câu lạc bộ Thể Công Viettel cùng Hà Nội FC sử dụng sân Hàng Đẫy như sân nhà khi thi đấu tại V.League. Khi Câu lạc bộ Công an Hà Nội trở lại V.League, sân Hàng Đẫy có thêm một “chủ nhà” nữa và điều đó diễn ra bình thường ở mùa giải 2023. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã có công văn gửi tới Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) về việc thực hiện quy định về tiêu chí tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp, trong đó, chỉ cho phép tối đa 2 đội bóng dùng chung sân.

Sau một thời gian làm việc đến nửa cuối tháng 7 vừa qua, quyết định từ UBND Thành phố Hà Nội về việc Thể Công Viettel phải chọn địa điểm khác làm sân nhà. “Căn cứ vào các quy định của AFC cũng như đảm bảo VFF đủ tư cách để AFC phân bố suất trực tiếp tham dự các giải đấu cấp câu lạc bộ châu Á trong mùa giải 2024-2025, việc hỗ trợ Câu lạc bộ Thể Công Viettel sử dụng sân Hàng Đẫy làm sân nhà tại mùa giải này là chưa phù hợp. Quy định của AFC đã tạo nhiều khó khăn cho các câu lạc bộ trong việc lựa chọn sân nhà, đồng thời cũng nằm ngoài sự mong muốn của TP Hà Nội. Rất mong Bộ Quốc phòng chia sẻ cùng TP Hà Nội.

Để đảm bảo các quy định của AFC, TP Hà Nội trân trọng đề nghị Bộ Quốc phòng liên hệ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xem xét và hỗ trợ cho Câu lạc bộ Thể Công Viettel sử dụng sân vận động phù hợp đăng ký làm sân nhà mùa giải 2024-2025 và trong các mùa giải tiếp theo” - công văn nêu rõ.

Và đội bóng quân đội chọn sân Mỹ Đình ở mùa giải 2024-2025...

Dọn vào “nhà to” mà lo

Mỹ Đình là sân vận động quốc gia, về lý thuyết, được chuyển đến “nhà mới” với vị trí, vị thế và danh tiếng… lẽ ra phải là niềm vui với các câu lạc bộ. Nhưng thực tế với bóng đá Việt Nam lại là một câu chuyện khác, ở góc độ ngược lại. Đến “nhà mới” mà nơm nớp những nỗi lo.

Sân Mỹ Đình có sức chứa hơn 40.000 chỗ ngồi, vượt xa các sân đấu có tiếng còn lại ở khu vực phía Bắc như: sân Thiên Trường (Nam Định), Lạch Tray (Hải Phòng) và sân Hàng Đẫy (Hà Nội)... Trong khi ở đâu đó, người hâm mộ muốn sức chứa của sân càng lớn càng tốt thì với bóng đá Việt Nam, sân rộng là sự mênh mông về những nỗi lo.

Theo thống kê ở mùa giải 2023-2024, V.League có trung bình 5.890 khán giả đến sân mỗi trận, nhưng tất nhiên, tính trung bình ở mỗi câu lạc bộ là khác nhau. Trong khi Thép Xanh Nam Định có trung bình 13.230 cổ động viên đến Thiên Trường mỗi trận, 2 đội Hải Phòng và Công an Hà Nội trong khoảng 8.000 đến 9.000 được xếp vào mức cao, thì Thể Công Viettel chỉ là 4.808 - chỉ cao hơn 4 đội khác.

Trận sân nhà đông nhất của Thể Công Viettel là 8.000 (2 trận) và thấp nhất là 2.000. Với những con số này, chuyển nhà đến sân Mỹ Đình quả thực là một mối lo. Có thể có những phương án nào đó để huy động lực lượng cổ động viên đến sân, nhưng không chắc số lượng lại đồng hành với giá trị kinh tế từ tiền bán vé. Trong khi đó, đội sẽ phải bỏ chi phí khoảng trên dưới 200 triệu đồng mỗi trận để thuê sân Mỹ Đình (giá tính cho các trận đấu trong nước).

Với bóng đá ở những quốc gia hàng đầu, ngoài quảng cáo, tài trợ, cổ động viên và người hâm mộ là một “nguồn sống” để đảm bảo một phần nguồn thu lớn từ bán vé, trang phục thi đấu, đồ lưu niệm, cũng như dịch vụ ăn uống tại sân… Việt Nam thì khác, khi bóng đá chưa thể là sự kết hợp hiệu quả giữa kinh doanh và giải trí, dòng tiền vẫn chảy theo một cách nào đó không thể giúp các câu lạc bộ giàu lên mà chỉ thấy ngày càng khó khăn hơn...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết