Người đàn ông 30 tuổi chết lặng vì kết luận suy thận giai đoạn cuối
30 tuổi, nghĩ mình chỉ stress nhẹ, người đàn ông không ngờ buồn nôn, mất ngủ là dấu hiệu suy thận giai đoạn cuối.
Bệnh nhân suy thận đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC
Ở tuổi 30, nhiều người vẫn nghĩ mình còn khỏe mạnh, chưa bao giờ hình dung đến viễn cảnh phải lọc máu suốt đời hoặc chờ ghép thận.
Đầu năm nay, anh T bắt đầu mất ngủ triền miên, dù ban ngày rất mệt mỏi nhưng đêm đến vẫn thao thức. Cảm giác buồn nôn xuất hiện thường xuyên, vị giác thay đổi, ăn uống kém ngon miệng. Anh cho rằng mình chỉ bị rối loạn tiêu hóa do áp lực công việc nên không đi khám.
Đến khi các triệu chứng trở nên nặng nề, buồn nôn liên tục và người mệt lả, anh mới tìm đến bệnh viện kiểm tra tổng quát. Sau các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm và đo chức năng thận, bác sĩ thông báo anh mắc suy thận mạn giai đoạn cuối. Lúc này, chỉ còn hai con đường điều trị: lọc máu định kỳ hoặc ghép thận. Anh chết lặng - chưa từng nghĩ căn bệnh này lại ập đến ở tuổi còn rất trẻ.
TS.BS Nghiêm Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: những dấu hiệu buồn nôn, mất ngủ, thay đổi vị giác thực chất là hệ quả của việc thận mất khả năng lọc chất thải, khiến cơ thể dần bị ngộ độc. Đáng tiếc, người bệnh đã có tín hiệu cảnh báo từ năm 2020, khi xét nghiệm sức khỏe định kỳ phát hiện protein niệu - dấu hiệu sớm của tổn thương thận. Năm 2022, tình trạng tiểu đạm rõ hơn, nước tiểu nhiều bọt và lâu tan. Dù được khuyên theo dõi và điều trị, người bệnh chỉ uống thuốc theo đợt, không tái khám đều và không duy trì chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt.
TS.BS Nghiêm Trung Dũng cho biết bệnh thận mạn tính tiến triển âm thầm, giai đoạn đầu rất khó phát hiện nếu không kiểm tra định kỳ. Trung tâm mỗi ngày tiếp nhận 30-40 ca suy thận mới, trong đó nhiều bệnh nhân còn rất trẻ, ở độ tuổi lao động sung sức nhất. Không ít người lần đầu đến viện đã buộc phải lọc máu ngay lập tức.
Phát hiện bệnh muộn không chỉ rút ngắn thời gian điều trị bảo tồn mà còn làm tăng chi phí, giảm cơ hội được ghép thận. Thậm chí có người dù có người thân sẵn sàng hiến thận nhưng không thể ghép do biến chứng suy tim nặng.
Chuyên gia cảnh báo, lối sống thiếu khoa học - ăn nhiều muối, dùng đồ ăn nhanh, thức uống không rõ nguồn gốc, thức khuya, ít vận động - đang góp phần khiến người trẻ gia tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn. “Ngủ muộn, ăn uống thiếu kiểm soát, lười vận động là những thói quen rất phổ biến, dẫn đến rối loạn chuyển hóa, béo phì và kéo theo nhiều bệnh lý, trong đó có suy thận”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.