• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người dân lơ là phòng dịch, nhiều bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết nhập viện

TP Hồ Chí Minh - Những trường hợp trẻ (từ 1-12 tháng tuổi) bị sốc sốt xuất huyết đang phổ biến. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ của trẻ, thậm chí là tử vong.

Người dân lơ là phòng dịch, nhiều bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết nhập viện

Những ngày qua, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng sốc, nguy kịch.

Hiện tại bệnh viện đang tiếp nhận 8 bệnh nhi nặng. Bệnh nhi T.C.R (8 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng sốc da nổi bông. Theo gia đình chia sẻ, bệnh nhi sốt cao liên tục 4 ngày, ho sổ mũi đến ngày thứ 5 bệnh nhi bắt đầu bớt sốt, nhưng ói 3 lần, bụng chướng và nổi chấm xuất huyết trên da nên gia đình nhanh chóng đưa bệnh nhi nhập viện.

Trẻ 5 tháng tuổi bị SXH đang được điều trị tích cực. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Trẻ 5 tháng tuổi bị sốt xuất huyết đang được điều trị tích cực. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Tại bệnh viện địa phương các bác sĩ kiểm tra lâm sàng huyết áp kẹp 80/65mmHg, nổi chấm xuất huyết ở chân tay, bụng. Kết quả các xét nghiệm cho thấy test nhanh NS1 (xét nghiệm giúp phát hiện kháng nguyên của virus gây ra bệnh sốt xuất huyết Dengue có trong máu) kháng nguyên dương tính, dung tích hồng cầu giảm còn 45% (bình thường chỉ 28-35%), tiểu cầu 25.000/mm3 (bình thường 200.000-300.000/mm3)...

Bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng và được điều trị chống sốc tích cực với dung dịch điện giải sau đó đổi sang dung dịch cao phân tử, truyền máu. Tiếp đó, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng thành phố để được tiếp tục điều trị chống sốc, truyền máu, điều trị hỗ trợ gan. Tình trạng huyết động, tổn thương gan trẻ cải thiện, tỉnh táo, bú khá.

Trường tiếp theo là trẻ H.D.T (5 tháng tuổi, ở Bình Thuận). Trẻ sốt nhẹ trung bình từ 38-38,5 độ C, ho sổ mũi 4 ngày, khám bác sĩ tư chẩn đoán viêm hô hấp trên, điều trị kháng sinh hạ sốt, giảm ho không bớt đến ngày 5 người nhà thất trẻ quấy khóc bỏ bú nên nhập bệnh viện tỉnh Bình Thuận trong tình trạng mạch nhẹ, chi mát, huyết áp khó đo, được chẩn đoán sốc nhiễm trùng và chuyển Bệnh viện Nhi đồng thành phố.

Tại đây, các bác sĩ làm xét nghiệm chẩn đoán các trẻ bị sốt xuất huyết nhờ test nhanh NS1 kháng nguyên và kháng thể đều dương tính, chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng, rối loạn đông máu, được điều trị truyền dịch chống sốc theo phác đồ, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, được truyền máu, huyết tương, tiểu cầu. Sau 7 ngày điều trị tích cực, tình trạng các trẻ cải thiện dần và xuất viện.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố cho biết, phụ huynh không nên chủ quan dịch bệnh sốt xuất huyết đang lưu hành hiện nay. Khi thấy trẻ sốt cao liên tục 3-4 ngày không hạ, nôn ói, đáp ứng kém, hắt hơi, tiêu chảy… cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời tránh những biến chứng xảy ra.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), trong tuần 25, cả thành phố ghi nhận 197 ca, tăng 18% so với trung bình 4 tuần trước là 167 ca. HCDC nhận định, dịch bệnh sốt xuất huyết so với cùng kỳ những năm trước giảm về số lượng nhưng số ca nặng lại tăng hơn.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết, sau thời gian dài tránh dịch bệnh COVID-19 nhiều người dân bắt đầu lơ là phòng chống dịch sốt xuất huyết, đặc biệt là quên các dấu hiệu trở nặng của bệnh.

Minh chứng chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận nội trú hơn 100 bệnh nhi điều trị, ngoại trú từ 200-300 bệnh nhi đến khám vì mắc sốt xuất huyết.

“Điều đáng nói là không ít trẻ em nhũ nhi từ 1-12 tháng tuổi cũng nhập bệnh viện vì sốt xuất huyết. Lúc này sức đề kháng của trẻ nhũ nhi còn yếu nên công tác điều trị cũng gặp nhiều khó khăn”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết