• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người góp phần bảo tồn văn hóa ngôn ngữ Khmer

Hơn bốn mươi năm qua, nhiều con em đồng bào Khmer ở Sóc Trăng đã được gieo con chữ của dân tộc mình nhờ một vị Hòa thượng, mà nhắc đến tên ai cũng biết, đó là Hòa thượng Tăng Nô, trụ trì chùa Khleang. Hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo khó ở vùng sâu, vùng xa đã có cơ hội học tập tốt và trở thành người có ích cho gia đình, xã hội nhờ tấm lòng từ bi của Hòa thượng.

Hòa thượng Tăng Nô

Chúng tôi đến thăm chùa Khleang, ngôi chùa cổ Khmer có lịch sử gần 500 tuổi ở thành phố Sóc Trăng đúng lúc nhà chùa chuẩn bị tiếp một đoàn khách. Ông Huỳnh Sa Oát cùng hàng chục người dân đang giúp nhà chùa kê lại bàn ghế, dọn dẹp khu nhà khách cho biết, ông thường đến chùa mỗi tháng bốn lần để làm công quả hoặc hỗ trợ nhà chùa những lúc có việc.

Trong lúc đợi vị trụ trì - Hòa thượng Tăng Nô, chúng tôi dạo quanh một vòng vãn cảnh chùa. Nằm trong khuôn viên rộng lớn, rợp bóng thốt nốt cổ thụ, ngôi chùa đậm nét kiến trúc cổ của người Khmer với những hoa văn, họa tiết chạm trổ tinh xảo, mang một sức hấp dẫn đến lạ kỳ.

Cạnh chùa là Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ, được thành lập từ năm 1994, vừa dạy kiến thức văn hóa, vừa dạy Ngữ văn Khmer và tiếng Pali. Thời gian đầu, điều kiện cơ sở vật chất của trường thiếu thốn về mọi mặt, khuôn viên rất chật hẹp. Đến năm 2004, Hòa thượng Tăng Nô đã bàn bạc với Ban quản trị Chùa, thống nhất hiến 8.100m2 đất để Trường xây dựng ký túc xá và nhà hiệu bộ cho tăng sinh. Đến nay, Trường đã có khuôn viên rộng gần 10.000m2, bảo đảm đủ chỗ ăn ở, sinh hoạt, học hành cho 7 lớp (từ lớp 6 - 12) và 45 cán bộ, giáo viên, nhân viên…

Nói về việc học chữ Khmer của bà con, Hòa thượng Tăng Nô tâm sự: “Một đời tôi tu hành luôn hướng theo chân lý tốt đạo, đẹp đời, nên tôi chỉ mong bà con mình được học tập tốt, có kiến thức để giúp ích cho gia đình, xã hội”.

Suốt hơn 40 năm, Hòa thượng Tăng Nô đã giúp nhiều học sinh, sinh viên nghèo khó khăn bước tiếp trên con đường trau dồi kiến thức. Hầu như năm nào cũng có những em vì hoàn cảnh khó khăn mà định bỏ học. Mỗi khi biết việc này, Hòa thượng lại tìm cách giúp đỡ, cho tá túc ở chùa và giúp một phần chi phí cho việc học tập. Nhờ đó, nhiều học sinh, sinh viên nghèo được tiếp tục đến trường, học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định.

 Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ

Mỗi mùa hè đến, không chỉ tại chùa Kh’Leang, Hòa thượng Tăng Nô còn vận động các chùa Phật giáo Nam Tông tổ chức các lớp dạy chữ Khmer cho sư sãi và người dân, nhằm nâng cao kiến thức và góp phần bảo tồn văn hóa chữ viết cho đồng bào Khmer.

Nói về vị Hòa thượng đáng kính, thầy Danh Mến, giáo viên Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ giãi bày, “do hoàn cảnh mồ côi nên tôi đã được Hòa thượng cho tá túc ở chùa, nuôi ăn, nuôi học… Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, Hòa thượng còn mua cho tôi một chiếc xe gắn máy để lấy phương tiện đi lại. Giờ được làm giáo viên Trường trung cấp Pali Nam Bộ, tôi luôn cố gắng để truyền dạy kiến thức cho các tăng sinh, học viên và con em đồng bào, để xứng đáng với công ơn của Hòa thượng”.

Trò chuyện cùng một tăng sinh tại Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ, chúng tôi được biết, nhiều người trong số họ đang được Hòa thượng nuôi ăn ở miễn phí. Không những vậy, không ít học sinh, sinh viên ở khắp các huyện, thị xã và thành phố Sóc Trăng cũng được tá túc tại nơi đây.

Hòa thượng Tăng Nô hiện là Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Hội trưởng Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì chùa Khleang, Phó hiệu trưởng Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ. Hòa thượng là Người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng, đã nhiều năm kiên trì gieo chữ, bảo tồn văn hóa ngôn ngữ của dân tộc Khmer.

Với nhiều công lao đóng góp cho đạo và đời, Hòa thượng đã được tặng thưởng Bằng khen của Chủ tịch nước, của các Bộ, ngành Trung ương và của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng. 

HOÀNG HƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết