• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai thác giá trị văn hóa dân tộc Thổ vào hoạt động du lịch

Khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng dân tộc thiểu số không chỉ góp phần bảo vệ di sản văn hóa dân tộc mà còn tạo sức hút trong phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Ngày 14.12, tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) tổ chức Hội thảo đánh giá mô hình du lịch văn hóa dân tộc Thổ huyện Nghĩa Đàn. Tham dự Hội thảo có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An và các công ty du lịch. 
Nghĩa Đàn là huyện trung du miền núi nằm về phía Bắc tỉnh Nghệ An, có tổng dân số hơn 146.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số hơn 44.000 người (chiếm 30,13%), riêng dân tộc Thổ có hơn 26.660 người (chiếm 18,21%). Đồng bào dân tộc Thổ ở Nghĩa Đàn sinh sống chủ yếu tại các xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Lạc, Nghĩa Thọ và hiện còn lưu giữ nhiều tri thức bản địa có tiềm năng trong khai thác phát triển du lịch như: y học dân gian, ẩm thực, thủ công truyền thống... 

Quang cảnh Hội thảo

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch là chủ trương đang được các địa phương quan tâm đẩy mạnh trong thời gian qua nhằm nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là nội dung của Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện với mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Thực tế cho thấy, phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang mang lại “lợi ích kép” cho người dân. Loại hình du lịch này không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vốn có mà còn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.
Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã chọn xã Nghĩa Lợi để xây dựng mô hình du lịch văn hóa dân tộc Thổ nhằm khai thác các giá trị văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc Thổ vào hoạt động du lịch. Xây dựng điểm đến tham quan đầu tiên của người Thổ Nghệ An trong hệ thống tour du lịch miền Tây Nghệ An. Mô hình đã được tổ chức thử nghiệm để đánh giá tour du lịch thí điểm trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, lấy yếu tố văn hóa đồng bào dân tộc Thổ tại xã Nghĩa Lợi làm điểm nhấn. Đến với xã Nghĩa Lợi, du khách được trải nghiệm không gian văn hóa, nghề đan võng gai truyền thống; thưởng thức làn điệu dân ca, dân vũ và những món ăn đặc sản của đồng bào Thổ…

Khai thác nghề đan võng gai dân tộc Thổ vào hoạt động du lịch góp phần duy trì và bảo tồn nghề truyền thống

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá những thuận lợi, khó khăn khi đưa yếu tố văn hóa vào mô hình du lịch của vùng đồng bào Thổ; những vấn đề đặt ra khi xây dựng tour, tuyến dựa trên yếu tố văn hóa đặc trưng của đồng bào Thổ trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn; hướng truyền thông, khai thác phát triển tour, tuyến thu hút khách du lịch về miền Tây Nghệ An nói riêng, huyện Nghĩa Đàn nói chung. 
Các đại biểu đều thống nhất về các vấn đề cần giải quyết và giải pháp thực hiện thời gian tới như cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự đồng lòng, đoàn kết của người dân trong phát triển du lịch cộng đồng; xác định đúng khách hàng mục tiêu để phục vụ hợp lý; thống nhất quy hoạch về điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng; liên kết các điểm đến liên xã và liên huyện, tạo thành tour du lịch với các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, hấp dẫn. Trong Chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng nhiều nội dung được đề xuất nhằm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, như: Hỗ trợ phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hỗ trợ bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số phục vụ phát triển sản phẩm du lịch, hỗ trợ đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân tộc thiểu số tham gia phát triển du lịch. Đối tượng hàng đầu của chương trình này là cộng đồng địa phương mà trực tiếp là các hộ dân sống trong khu vực triển khai hoạt động du lịch cộng đồng, đội ngũ lao động trực tiếp và gián tiếp tại các điểm du lịch cộng đồng, những người cam kết tham gia vào hoạt động này.
Trước đó, đoàn đã ghé thăm nhà văn hóa cộng đồng ở Lung Thượng, nghe giới thiệu về lịch sử, nét văn hóa đặc sắc cũng như con người dân tộc Thổ nơi đây. Đoàn cũng đã ghé thăm mô hình vườn chuẩn NTM trồng cây ăn quả, homestay, giao lưu văn hóa, văn nghệ và trải nghiệm làm bánh, đan võng gai….

                                                                                                                                         PHẠM NGÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết