• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải mã sức hút "Đừng làm mẹ cáu"

"Đừng làm mẹ cáu" được đánh giá là phim hay, lạ, nhẹ nhàng mà văn minh. Thoại phim xuất sắc, cô đọng, dễ thương, đi vào lòng người.

Kể từ sau "Về nhà đi con" thành công vang dội, thị trường phim truyền hình mới có tiếp một phim thu hút sự chú ý như "Đừng làm mẹ cáu". Phim được bàn luận nhiều trên các nền tảng mạng xã hội với những lời khen cho kịch bản, diễn viên nhiều hơn các ý kiến trái chiều khác.

Thông điệp chữa lành

Phim "Đừng làm mẹ cáu" do NSƯT Vũ Minh Trí làm đạo diễn, quy tụ dàn diễn viên: Quỳnh Kool, Nhan Phúc Vinh, Lương Mai Quỳnh, Bình An, Nguyễn Ngọc An Nhiên, Phạm Tuấn Phong… Phim được phát sóng trên VTV3 từ ngày 1-12-2022 và kết thúc vào ngày 3-3-2023. Nội dung phim "Đừng làm mẹ cáu" xoay quanh câu chuyện về Hạnh (Quỳnh Kool đóng), 18 tuổi, chuẩn bị bước chân vào đại học thì gặp biến cố lớn là người chị không cùng huyết thống gặp tai nạn qua đời, để lại đứa trẻ sinh non.

Giải mã sức hút Đừng làm mẹ cáu - Ảnh 1.

Phim “Đừng làm mẹ cáu” khiến nhiều khán giả tiếc nuối khi kết thúc ở tập 25. (Ảnh chụp màn hình)

Hạnh bắt đầu cuộc sống mẹ đơn thân với tất cả sự hoang mang, hoảng sợ vì chẳng có nghề nghiệp, tiền bạc, kinh nghiệm nuôi em bé. Thậm chí, đôi khi quá sợ hãi, Hạnh có lúc muốn bỏ rơi đứa bé. Thế nhưng, bé Happy (Nguyễn Ngọc An Nhiên đóng) lém lỉnh, thông minh, dần lớn lên và là niềm vui, chỗ dựa tinh thần cho Hạnh.

Trong khi đó, bạn của Hạnh là Vy (Quỳnh Lương đóng) sống trong giàu sang nhưng lại thiếu thốn về tình cảm. Cô kết hôn cùng Khôi (Bình An đóng) vì vướng bầu sau tình một đêm. Bề ngoài Vy mạnh mẽ nhưng tâm hồn lại dễ tổn thương.

"Đừng làm mẹ cáu" là câu chuyện làm mẹ đầy vui buồn của Hạnh và Vy với điểm nhấn là Hạnh. Tác phẩm nhận được nhiều lời khen từ người xem, dù ban đầu cũng gặp phải không ít ý kiến chỉ ra những điểm còn khiên cưỡng trong câu chuyện. Tuy nhiên, phim càng ngày càng thu hút bởi những tình tiết nhẹ nhàng nhưng đầy cảm xúc cùng thông điệp chữa lành. Mọi sự tổn thương, rạn nứt dần xóa bỏ, thay vào đó là tình yêu thương bao trùm.

Ngoài câu chuyện chinh phục được khán giả, phim còn thu hút nhờ diễn xuất tốt của 2 diễn viên nhí Nguyễn Ngọc An Nhiên cùng Phạm Tuấn Phong. Nhiều khán giả khen ngợi: "Phim nhẹ nhàng, ý nghĩa và không lê thê, dông dài. Tôi rất thích!"; "Lâu lắm, tôi mới được xem một phim hay đến vậy và thấy tiếc khi tác phẩm đã kết thúc"; "Tôi thực sự xúc động, trân trọng tính nhân văn trong phim, một sự nhẹ nhàng mà sâu lắng, cảm xúc"…

Người trong giới cho rằng "Đừng làm mẹ cáu" khai thác về tình mẫu tử nhưng ở góc độ mới lạ hơn là tình mẫu tử giữa một cô gái trẻ và con nuôi của mình. Hạnh bất đắc dĩ làm mẹ đơn thân trong tình cảnh "trẻ người non dạ", chưa chồng lại phải chăm lo cho một đứa trẻ còn bồng trên tay. Theo tâm lý thông thường, Hạnh cũng có những lúc hoang mang và từng có ý nghĩa bỏ đứa bé nhưng cuối cùng không làm thế. Lòng nhân đạo, tình người ban đầu dần dần bồi đắp thành tình mẫu tử thiêng liêng, không gì chia cách được.

Yếu tố mới lạ

"Đừng làm mẹ cáu" do 2 biên kịch Diệu Thúy và Nguyễn Thu Thủy đảm nhiệm. Phim lấy cảm hứng từ chính câu chuyện cuộc đời của biên kịch Diệu Thúy ở giai đoạn sau khi ly hôn, một mình nuôi con gái. Những cảm hứng này thông qua trải nghiệm thực tế từ chính biên kịch đã góp phần tạo nên một câu chuyện hợp thời đại, văn minh, chân thật.

Nhiều khán giả cho biết thấy bản thân mình qua hình trình làm mẹ đơn thân bất đắc dĩ của Hạnh. Con của họ cũng như bé Happy hiểu chuyện, trưởng thành sớm nhưng đôi lúc cũng có những ngô nghê đúng tuổi. Vì thế, họ không thấy việc một đứa bé như Happy có thể lém lỉnh, hiểu chuyện trước tuổi là điều khiên cưỡng.

Nếu không có yếu tố mới lạ, mang đến cái nhìn thú vị thì chắc chắn phim khó có thể chinh phục công chúng. Nhận biết điều này, biên kịch cùng ê-kíp nỗ lực tạo sự mới mẻ để thoát khỏi áp lực nhàm chán, lối mòn khi xây dựng câu chuyện gia đình.

"Khi viết "Đừng làm mẹ cáu" thay vì nhìn từ góc độ của những người mẹ, chúng tôi hướng nhiều hơn đến thế giới và cái nhìn của trẻ. Trẻ con là tấm gương phản chiếu rõ ràng nhất thế giới xung quanh" - biên kịch Thu Thủy bày tỏ.

Sự thành công của "Đừng làm mẹ cáu" cũng cho thấy tương tự điện ảnh, phim truyền hình cần những câu chuyện hay được kể hấp dẫn dưới góc nhìn thú vị, mới lạ, thoại chân thật và tình tiết văn minh. Với những câu chuyện hay, khán giả không cần biết đó là chủ đề gì, thể loại nào vẫn sẽ thích thú thưởng thức, ủng hộ tác phẩm.

Theo các nhà chuyên môn, khán giả đã được xem các phim về tình cảm gia đình được khai thác nhiều ở những pha đấu đá, cố tạo cao trào để đẩy bi kịch lên quá đà. Những đấu đá căng thẳng được tạo ra một cách cố tình khiến khán giả mệt mỏi. "Đừng làm mẹ cáu" với câu chuyện nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần sâu sắc, như một làn gió mới thổi vào khiến khán giả bị thu hút khi xem.

“Nội dung chữa lành, nhân văn, đề cao tình mẫu tử, tình yêu, tình người, truyền đi năng lượng tích cực... dễ giúp phim thành công. Hẳn nhiên, để làm được điều này, nhà làm phim cần có những kịch bản hay và cả cách kể chuyện thú vị, không đi vào lối mòn nhàm chán” - biên kịch Kim Ngọc phân tích.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...