Do đâu thuốc lá điện tử tấn công giới trẻ?
Trong khi các cơ quan, bộ ngành đang nghiên cứu phương án quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới; các tổ chức y tế đẩy mạnh truyền thông về tác hại của thuốc lá, thì một bộ phận người tiêu dùng, gồm cả giới trẻ đang tiếp tay quảng cáo trái phép các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tại thị trường Việt Nam.
Giới trẻ vô tư quảng cáo thuốc lá thế hệ mới
Luật Quảng cáo và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) Việt Nam hiện nay cấm tất cả các hình thức quảng cáo thuốc lá. Tuy nhiên, vì luật vẫn còn chưa quy định cụ thể cho thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng), nên trong giai đoạn tranh tối tranh sáng này, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vẫn đang lách luật để quảng cáo, bày bán công khai trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok,… và các sàn thương mại điện tử.
Điều đáng nói, dù không được trả tiền nhưng những Tiktoker, Youtuber, Facebooker đồng thời cũng là người dùng vẫn vô tư "review" (đánh giá) các sản phẩm thuốc lá điện tử, vốn gây nghiện và không an toàn, nhằm tăng lượt xem cho trang của mình.
N.V.M, học sinh lớp 9 tại TP HCM cho biết, em và bạn bè vẫn thường hay xem các video giới thiệu, review về thuốc lá điện tử. N.V.M cho chúng tôi xem video mới nhất của H.P, một Facebooker và Tiktoker có lượng theo dõi lên tới 600.000 người. Trong video này, H.P trực tiếp đến tận nơi bán hàng để trải nghiệm, giới thiệu địa chỉ mua thuốc lá điện tử, và hướng dẫn cách để trở nên "sành điệu" cùng sản phẩm này!
Video của H.P đã thu hút rất nhiều bạn trẻ xem, tương tác và chia sẻ- Capture chụp từ màn hình video của H.P
Không chỉ đừng lại ở đó, những tiểu phẩm webdrama đang được chiếu công khai trên Facebook với hàng triệu lượt theo dõi, và hàng ngàn lượt chia sẻ cũng đã khéo léo thay thế thuốc lá điếu bằng thuốc lá điện tử để mô tả hình ảnh cuộc sống đời thường của nhân vật. Những sản phẩm này thậm chí còn không bị che mờ như những sản phẩm rượu, bia, thuốc lá khác.
Từ thực trạng này có thể thấy trong suốt nhiều năm, không có sự can thiệp, kiểm soát của cơ quan chức năng nên thị trường thuốc lá điện tử lậu đã và đang "ngấm" vào cộng đồng, bao gồm giới trẻ. Không khó để bắt gặp những lứa tuổi học đường đang ung dung "nhả khói" mà không ý thức được thứ hàng lậu này sẽ có khả năng gây nghiện và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Theo một thống kê, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, có tới 72 bài đăng quảng cáo thuốc lá điện tử lậu trên Facbook là từ tài khoản của các Macro-influencer (là những tài khoản có hơn 100.000 người theo dõi). Quan sát cho thấy, những bài viết, video review thuốc lá điện tử lậu nhằm câu view của các Facebooker, Tiktoker mới nổi này không gặp bất kỳ trở ngại nào trong khâu kiểm duyệt.
Mỗi người tiếp một tay khiến các sản phẩm nhập lậu trở nên ngập tràn trong cộng đồng, nguy hiểm nhất là giới trẻ, học đường. Hệ lụy trước mắt đã thấy khi nhiều số liệu cảnh báo tình trạng giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử nhập lậu tăng lên. Rõ ràng, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này đến từ việc thiếu định hướng, kiểm soát chặt chẽ của các nhà quản lý.
Nếu còn thảo luận, thì còn "chợ đen"
Trong suốt nhiều năm qua, việc thảo luận kiểm soát quản lý các sản phẩm này như thế nào vẫn đang là câu chuyện chưa có hồi kết. Trong các cuộc họp các bộ ngành liên quan cũng cho rằng phải mạnh dạn đưa các sản phẩm mới này vào kiểm soát ngay. Các bên cũng đã nhấn mạnh Việt Nam không thiếu năng lực, công cụ để kiểm soát những sản phẩm này. Điều còn lại cần là sự thống nhất ý kiến giữa của các Bộ đang chịu trách nhiệm trực tiếp.
Tại tọa đàm về "Quản lý thuốc lá thế hệ mới – Cần góc nhìn mới" ở Hà Nội đầu tháng 1-2022, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện - Ủy Ban thường vụ Quốc hội cho rằng ở Việt Nam, một chính sách quản lý phù hợp các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vẫn còn đang bị bỏ ngỏ quá lâu, dù cho việc kêu gọi quản lý đã được thực hiện từ cách đây nhiều năm do chính Chính phủ chỉ đạo.
Ông Nhưỡng cũng nhấn mạnh, cần tận dụng lợi thế sẵn có của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá để sớm kiểm soát các sản phẩm này trên cơ sở phù hợp với pháp luật Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.
Cũng tại hội thảo này, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư Pháp cho biết, đối với các quan ngại về tác hại sản phẩm và mức độ tác động của sản phẩm đến giới trẻ, hiện các quốc gia đi trước Mỹ, Anh, Nhật, New Zealand... không cấm sản phẩm, vì cấm sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu khó kiểm soát. Thay vào đó, chính phủ các nước này chỉ cấm một số hương liệu tinh dầu, mùi vị gây thu hút giới trẻ, và ngăn chặn giới trẻ không được phép tiếp cận sản phẩm bằng nhiều biện pháp, đặc biệt các quy định kinh doanh nghiêm ngặt đối với kênh bán lẻ.
Để tăng cường hiệu quả việc ngăn chặn này, chính phủ các quốc gia yêu cầu nhà sản xuất phải khai báo minh bạch mọi hoạt động buôn bán, tiếp thị, và đưa ra biện pháp ngăn chặn giới trẻ khả thi trước khi được phép kinh doanh.
Tại Việt Nam, trong suốt nhiều năm qua mọi hoạt động kiểm soát thuốc lá thế hệ mới vẫn chỉ đang nằm trên bàn giấy, trong khi hoạt động trên thị trường chợ đen thì lại sôi nổi và không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động. Phản ứng trước thực trạng này cũng như mong muốn đẩy nhanh tiến độ, nhiều kiến nghị quản lý với các sở cứ khoa học đã được đề xuất và trình Chính phủ.
Mặt khác, các hội thảo giữa Bộ ngành cũng thường xuyên được tổ chức để nhằm nhấn mạnh tính cấp bách cần sớm có câu trả lời cho cộng đồng, xã hội cũng như cần có hành động thực tiễn để ngăn chặn ngay thực trạng tiếp cận các sản phẩm thuốc lá của giới trẻ.
Hy vọng sắp tới đây, với những nỗ lực của bộ ngành, việc quản lý, kiểm soát những sản phẩm này sẽ sớm được áp dụng để giúp giới trẻ thoát khỏi những dẫn dắt sai lệch về thuốc lá thế hệ mới của các tổ chức, cá nhân buôn lậu.