• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Lá phổi” Hà Nội ngã đổ và sự “nghiệm thu” của bão số 3

Chỉ riêng Hà Nội đã có hơn 10.000 cây xanh bị đổ trong siêu bão số 3, còn lại các địa phương khác thì la liệt và chưa có thống kê chi tiết.

“Lá phổi” Hà Nội ngã đổ và sự “nghiệm thu” của bão số 3

Nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngổn ngang cây đổ, hàng rào đổ sập sau bão số 3. Ảnh: Hoàng Xuyến/ Tùng Giang.

Đó là một con số rất lớn, cho thấy "lá phổi" của Thủ đô đã bị tàn phá nặng nề chỉ sau một đêm siêu bão số 3 đi qua.

Nhưng đáng tiếc và xót xa nhất là trong số hơn 10.000 cây xanh bị ngã đổ, có hàng trăm cây cổ thụ lâu năm gắn bó với người dân Hà Nội qua nhiều thế hệ.

Thậm chí, có nhiều cây cổ thụ được xem là "biểu tượng văn hóa", gắn liền với các công trình kiến trúc độc đáo như “cụ Đa” ở đền Bà Kiệu hay “lão Si” ở góc Nhà thờ Lớn.

Đáng nói hơn, siêu bão số 3 vô tình trở thành một bài “nghiệm thu”, cho thấy ngoài vấn đề khách quan như bão lớn ngoài sức tưởng tượng, thì công tác trồng và chăm sóc cây xanh của Hà Nội đang có nhiều vấn đề chủ quan cần được nhìn nhận lại.

Trước hết, phần lớn những cây xanh bị ngã đổ lần này đều có bộ rễ rất nông, không có rễ cọc hay rễ chùm nên không thể trụ vững trước gió bão là điều tất yếu.

Thứ hai, rất nhiều cây xanh không được tỉa cành, cắt ngọn để giảm chiều cao nhằm “chống” bão, mặc dù việc siêu bão số 3 đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng đến Hà Nội đã được cảnh báo trước ít nhất 4 ngày.

Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền Trung quanh năm đối mặt với thiên tai. Mỗi khi một cơn bão đi qua, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… đều chứng kiến hàng ngàn cây xanh bị xóa sổ.

Thực tế cho thấy, tại các địa phương thường xuyên bị bão lũ, việc chọn cây trồng trên đường phố vẫn chưa hợp lý, với nhiều loại cây có tuổi thọ không dài, đặc biệt là có bộ rễ nông.

Nhiều nơi, khi xây dựng các tuyến phố mới, đặc biệt ở khu vực ven biển, lại nôn nóng trồng cây cổ thụ, buộc phải cắt bớt rễ, khiến cây phục hồi chậm, yếu sức và dễ bị gãy đổ.

Cuối cùng thì đôi khi, việc chọn giống cây gì để trồng trong thành phố còn xuất phát từ sở thích và ý chí của một vài lãnh đạo ở các thời kỳ khác nhau.

Trong khi đó, quyết định trồng cây gì để vừa có bóng mát, vừa mang đặc trưng văn hóa địa phương, vừa có rễ cọc, rễ chùm đủ sức chống chịu mưa bão phải dựa trên ý kiến của các hội đồng chuyên gia khoa học lâm nghiệp, đồng thời được kiểm chứng và đánh giá dựa trên cơ sở khoa học thực địa.

Từ sự “nghiệm thu” của siêu bão số 3, hy vọng rằng Hà Nội và các địa phương khác, tới đây khi quy hoạch cây xanh đô thị, cần tính đến yếu tố quan trọng nhất là khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt, khả năng chống chịu mưa bão, chứ không chỉ dựa trên yếu tố đẹp, bóng mát hay văn hóa hoặc "ý thích" của cá nhân các lãnh đạo.

Đặc biệt, ngoài việc chọn và trồng cây, công tác chăm sóc, bảo vệ cây trước mỗi mùa mưa bão phải được các địa phương thực hiện một cách khoa học!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết