• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng nhóm môn lựa chọn trong trường THPT: Linh hoạt điều chỉnh

Nhiều giải pháp được triển khai nhằm khắc phục những bất cập khi lệch cán cân môn học.

Phụ huynh và học sinh Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An) tham gia đăng ký tổ hợp lớp sau khi nhập học. Ảnh: NTCC
Phụ huynh và học sinh Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An) tham gia đăng ký tổ hợp lớp sau khi nhập học. Ảnh: NTCC

Sau khi thực hiện một chu trình của Chương trình GDPT 2018, thực tiễn từ các trường THPT cho thấy một số môn ít được học sinh lựa chọn, dẫn đến tình trạng giáo viên không đủ định mức tiết dạy.

Môn tự chọn…, học sinh chưa được chọn

Ông Nguyễn Trọng Năm - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) cho biết: Thực tiễn sau một chu trình triển khai Chương trình GDPT 2018, số môn được học sinh lựa chọn rất ít như Sinh học, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh. Điều đó khiến những môn này có số thí sinh đăng ký để thi tốt nghiệp THPT ít. Cụ thể, tại nhà trường, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, không học sinh nào chọn thi Sinh học, 10 em chọn thi Vật lý, 11 em chọn thi Hóa học và chỉ 6 em chọn môn Tiếng Anh.

“Trường THPT Quan Sơn chỉ giải quyết được một tỷ lệ thấp chọn theo nguyện vọng, còn tỷ lệ cao phải vào các lớp mặc định để phù hợp với điều kiện giáo viên. Để giúp các em lựa chọn được môn học phù hợp, nhà trường triển khai giải pháp tuyên truyền, định hướng nghề sớm, tránh học sinh chọn theo xu hướng chung, đám đông, thị hiếu nhất thời.

Bên cạnh quan tâm các môn khoa học tự nhiên, chúng tôi tuyên truyền sâu rộng, khích lệ việc học môn Tiếng Anh (kể cả khi học sinh không chọn làm môn thi tốt nghiệp) để theo kịp thời đại, xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ông Năm cho hay.

Từ khi triển khai Chương trình GDPT 2018, năm nào Trường THPT Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên, Nghệ An) cũng tổ chức các chương trình tọa đàm, tư vấn lựa chọn tổ hợp môn theo định hướng nghề nghiệp cho học sinh mới vào lớp 10. Ngoài sự tham gia của học sinh, chương trình còn có phụ huynh.

Buổi tư vấn cung cấp những nội dung cơ bản trong việc bố trí các môn học bắt buộc và tự chọn của chương trình mới, kế hoạch các tổ hợp môn và chuyên đề học tập dành cho học sinh lớp 10. Việc lựa chọn cần cân nhắc, thận trọng căn cứ vào năng lực bản thân học sinh, xu hướng nghề nghiệp sau này vì các môn học sẽ theo các em suốt 3 năm THPT. Sau phần tư vấn chung, giáo viên sẽ giải thích riêng cho phụ huynh, học sinh nào có thắc mắc, chưa hiểu.

Bà Nguyễn Bích Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường xây dựng các lớp theo nhóm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Ngoài môn bắt buộc sẽ là các môn lựa chọn và chuyên đề học tập tương ứng với tổ hợp môn và các trường đại học thường sử dụng để tuyển sinh như khối A00, A01, D00, D14, D15, B00, C00, C03…

Ngoài nguyện vọng 1, học sinh có thể đăng ký nguyện vọng 2 để có thêm nhiều cơ hội lựa chọn. Việc xếp lớp được căn cứ theo nguyện vọng của học sinh và căn cứ thực tế để phù hợp với điều kiện nhà trường.

Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong trao đổi thêm, xây dựng các lớp theo tổ hợp môn cần căn cứ vào thực tế đội ngũ của nhà trường. Thực tế có trường nhiều học sinh chọn khối xã hội, có trường ngược lại nhiều học sinh chọn khối tự nhiên. Giải pháp của chúng tôi là cân bằng các môn lựa chọn và chuyên đề học tập. Bên cạnh đó, những giáo viên ít tiết có thể kiêm nhiệm các nhiệm vụ với chuyên môn liên quan.

Cô Hoàng Thị Châu - giáo viên Sinh học Trường THPT Lê Hồng Phong làm công tác tư vấn nghề nghiệp cho học sinh lớp 10 đã 3 năm qua, kể từ khi triển khai chương trình mới. Trước khi tư vấn cho phụ huynh, học sinh, cô phải tìm hiểu và cập nhật thông tin tuyển sinh của các trường, kỳ thi đánh giá năng lực các trường đại học.

Thuận lợi cho học sinh là Bộ GD&ĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp, các trường đại học cũng ban hành phương án tuyển sinh với tiêu chí kèm theo. Sinh học - môn ít được học sinh lựa chọn, chỉ trừ những em theo định hướng khối B00 (Toán, Hóa, Sinh).

Tuy nhiên, đây là môn có tính ứng dụng thực tế nên thu hút lượng học sinh đăng ký làm môn tự chọn, chuyên đề học tập. Vì vậy, giáo viên không lo “thiếu việc” mà điều quan trọng đổi mới phương pháp dạy học đa dạng, linh hoạt, cởi mở hơn. Mục tiêu giúp các em có kiến thức, kỹ năng ứng dụng vào cuộc sống chứ không vì mục đích phục vụ kỳ thi tốt nghiệp.

Hoạt động giới thiệu, tư vấn, định hướng cho học sinh khối 10 cũng là hoạt động thường niên của nhiều trường học Nghệ An kể từ khi Chương trình GDPT mới triển khai ở cấp THPT. Việc lựa chọn môn học, lớp học chính xác ngay từ những ngày đầu vào lớp 10 sẽ giúp hạn chế tình trạng học sinh xin đổi lớp, đổi môn học sau khi vào nhập học và tạo cho các em tâm thế học tập tốt nhất ở mái trường THPT.

Sau 3 năm triển khai, Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An) cũng ổn định và đi vào quỹ đạo các tổ hợp lớp theo Chương trình GDPT 2018. Theo đó, nhà trường xây dựng các nhóm lớp: Khoa học tự nhiên 1 (định hướng khối A00); Khoa học tự nhiên 2 (định hướng khối B00); lớp Khoa học tự nhiên - Tiếng Anh (định hướng khối A01); lớp Khoa học xã hội 1 và 2 (định hướng khối D00, D14, D15) và Khoa học xã hội 3 (định hướng khối C00, C03).

Các lớp này có nhóm môn tự chọn và chuyên đề học tập tương ứng với khối định hướng. Bên cạnh đó còn có lớp Khoa học tự nhiên - Tiếng Anh và Khoa học xã hội - Tiếng Anh theo mô hình tiên tiến. Các lớp tiên tiến ngoài chương trình GDPT sẽ học thêm chương trình tăng cường các môn theo định hướng nghề nghiệp và tiếng Anh.

Ông Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết các lớp được triển khai theo hướng phát triển phẩm chất năng lực, định hướng nghề nghiệp. Kết quả trong 3 năm thực hiện, hầu như không có trường hợp nào chuyển lớp, khối sau khi vào học tập ổn định. Đồng thời giúp nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình dạy học rõ ràng, phù hợp, hiệu quả.

linh-hoat-dieu-chinh-2.jpg

Trường THPT Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên, Nghệ An) tổ chức tư vấn, định hướng chọn lớp cho học sinh khối 10. Ảnh: Hồ Lài

Sắp xếp chuyên môn linh hoạt

Sự không cân đối trong chọn môn của học sinh, theo ông Nguyễn Trọng Năm, dẫn đến tình trạng giáo viên không đủ định mức dạy. Ví dụ, hiện giáo viên môn Sinh chỉ có 4 tiết/tuần, giáo viên môn Hóa dạy 8 tiết/tuần. Để đảm bảo số tiết theo quy định, những giáo viên này được bố trí dạy Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương; hoặc kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, chủ nhiệm, công tác Đoàn.

Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) đang xây dựng các lớp theo tổ hợp môn định hướng tự nhiên hoặc xã hội, với tỷ lệ học sinh chọn lớp tự nhiên chiếm khoảng 55%. Theo ông Dương Văn Sơn - Hiệu trưởng, về cơ bản, các lớp tự nhiên và xã hội của trường khá cân đối nên không xảy ra tình trạng giáo viên thừa hoặc thiếu tiết quá nhiều.

Tuy nhiên, đối với từng môn học cụ thể, nếu giáo viên ít tiết, nhà trường sẽ bố trí dạy các tiết hoạt động trải nghiệm hoặc Chương trình giáo dục địa phương. Đây đều là các môn bắt buộc theo Chương trình GDPT 2018 với số tiết quy định cụ thể. Bên cạnh đó, giáo viên có thể kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm, tư vấn hướng nghiệp, tham vấn tâm lý.

Hiện, một số trường đại học có thay đổi, điều chỉnh phương án xét tuyển, bổ sung thêm nhiều tổ hợp mới thay thế cho khối truyền thống. Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên cho biết, điều này không ảnh hưởng đến việc xây dựng chương trình, sắp xếp, bố trí lớp học của nhà trường.

Căn cứ quan trọng nhất trong xây dựng chương trình dạy học chính là phát huy năng lực học sinh chứ không phải chạy theo các kỳ thi, lấy thành tích hoặc ép học sinh đăng ký học tập theo hướng có lợi cho nhà trường. Các tổ hợp lớp học của trường đã ổn định và đáp ứng đủ nhu cầu cho học sinh khi tham gia thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học theo định hướng nghề nghiệp bản thân.

Phần khó khăn cho nhà trường như cơ cấu giáo viên, sắp xếp thời khóa biểu, lịch báo giảng sẽ linh hoạt phù hợp với chương trình giáo dục. Khi bố trí giáo viên kiêm nhiệm dạy Chương trình giáo dục địa phương hoặc hoạt động trải nghiệm phải phù hợp với năng lực chuyên môn hiện tại, đồng thời được tập huấn, bồi dưỡng bổ sung.

linh-hoat-dieu-chinh-4.jpg

Thực hiện khảo sát định hướng nghề nghiệp tại Trường THPT Minh Đài (Phú Thọ). Ảnh: NTCC

Giải pháp cân bằng lựa chọn môn học

Chia sẻ giải pháp cân bằng lựa chọn môn học, ông Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) cho hay, để định hướng lựa chọn cho học sinh, vừa đảm bảo quyền tự chọn của học sinh, vừa cân đối cơ cấu môn học, nhà trường cho học sinh đăng ký nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 theo các tổ hợp được xây dựng sẵn.

Trong trường hợp số lượng đăng ký vượt quá khả năng tổ chức lớp, nhà trường xét tuyển theo điểm học lực hoặc kết quả học tập của năm học trước. Những học sinh không đạt yêu cầu nguyện vọng 1 sẽ được phân bổ vào tổ hợp khác (bao gồm cả những tổ hợp có môn như Sinh học, Địa lý, Công nghệ…), nhằm đảm bảo có đủ số lớp/môn để duy trì hoạt động và tính pháp lý, chuyên môn cho nhà trường.

Một số giải pháp khác cũng được nhà trường triển khai để khắc phục tình trạng mất cân đối môn học, như: Tư vấn hướng nghiệp từ sớm; truyền thông nội bộ; tạo điều kiện học tập hấp dẫn hơn; kết nối với doanh nghiệp, địa phương.

“Trường THPT Lam Kinh tổ chức tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ lớp 10, giúp các em hiểu rõ mối liên hệ giữa các môn học với ngành nghề tương lai. Tăng cường truyền thông trong nhà trường về vai trò, ý nghĩa thực tiễn của các môn học ít được lựa chọn, qua đó giúp học sinh có cái nhìn đầy đủ hơn.

Nhà trường đồng thời khuyến khích tổ chuyên môn đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ, tổ chức hoạt động trải nghiệm có liên quan để tăng sức hấp dẫn môn học. Đưa các môn như Công nghệ, Địa lý, Sinh học vào các hoạt động thực tế, trải nghiệm tại địa phương nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về ứng dụng thực tế các môn học này”, ông Nguyễn Minh Đạo thông tin cụ thể.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Minh Đài (Tân Sơn, Phú Thọ) nhận định: Thực tế, học sinh chọn môn học lựa chọn rất đa dạng. Các trường cơ bản sắp xếp tối ưu theo nguyện vọng học sinh; bởi đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất không thể đáp ứng yêu cầu đa dạng của học sinh.

Với Trường THPT Minh Đài, giải pháp nhà trường thực hiện trong năm học là: Căn cứ đội ngũ giáo viên, chương trình, thời lượng các môn học đã ổn định của lớp 11 và lớp 12, để xây dựng phương án sắp xếp các tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập cho lớp đầu cấp, đảm bảo cơ bản mặt bằng lao động của giáo viên trong trường.

Nhà trường lên phương án cụ thể tên môn học lựa chọn và chuyên đề học tập tương ứng với số lớp, số học sinh để người học đăng ký (thường là 5 tổ hợp) theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng từ 1 đến 5. Học sinh không đạt nguyện vọng 1 thì chuyển sang nguyện vọng kế tiếp.

“Để việc sắp xếp lớp thuận lợi, tạo sự đồng thuận của học sinh, nhà trường cần xây dựng rõ nguyên tắc sắp xếp lớp trong kế hoạch tuyển sinh, ban hành và thông báo rộng rãi trước khi học sinh đăng ký dự tuyển”, ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Tình trạng mất cân đối môn học là vấn đề nan giải, càng ngày càng khó khăn cho nhà trường. Giải quyết vấn đề này không thể chỉ dừng ở công tác tuyên truyền. Cần có quy định phù hợp hơn khi học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 tại trường, như vậy mới giải quyết được vấn đề nóng về lựa chọn môn học. - ông Nguyễn Minh Đạo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...