Trường tư thục lao đao
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều trường tư thục ở TP HCM cạn nguồn tuyển sinh, thiếu giáo viên, không có nguồn thu nên phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ở TP HCM, cả thành phố phải giãn cách xã hội trong thời gian dài, kéo theo các trường học phải đóng cửa hơn 7 tháng. Việc này khiến nhiều trường tư thục lao đao, chủ trường phải tìm nhiều cách để xoay xở, bù lỗ, kéo dài "sự sống" cho trường.
Khó khăn bủa vây
Ngày 10-5-2021, học sinh (HS) các cấp ở TP HCM dừng đến trường để phòng chống dịch. Đây là thời gian các trường tư bắt đầu tuyển sinh. Do giãn cách xã hội, hầu như tất cả trường tư đều không tuyển sinh được bằng cách trực tiếp. Các trường tư chuyển sang tuyển sinh trực tuyến, qua thương hiệu của trường và sự quen biết. Do đó, hiệu suất tuyển sinh năm học 2021-2022 rất thấp.
Do dịch bệnh, nhiều trường tư thục ở TP HCM không thể tuyển sinh, lâm vào tình trạng khốn khó đủ bề
Ông Huỳnh Công Thái, chủ sở hữu Trường THPT Đông Đô (quận Bình Thạnh) đồng thời là cổ đông của Trường THCS - THPT Ngọc Viễn Đông (quận 12) và Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (quận Tân Phú), cho biết vào thời điểm trên, một vài trường tư tốp đầu đã có thương hiệu, lượng tuyển sinh ổn định thì ít bị ảnh hưởng, còn trường ở tốp trung và thấp thì rất khó khăn trong tuyển sinh. Lượng tuyển sinh tại trường của ông Thái giảm từ 50% - 70% so với các năm trước.
"Dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của nhiều người, khó khăn là tình hình chung của cả nước. Trường tư thục cũng gặp nhiều vấn đề khó khăn đặc thù, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước thì rất có thể nhiều trường sẽ không trụ nổi" - ông Thái tâm tư.
Theo ông Thái, nhiều giáo viên ở tỉnh hầu hết đã về quê để tránh dịch và giảm chi phí sinh hoạt, việc dạy học trực tuyến dù vậy cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Thế nhưng, khi UBND TP HCM cho HS đi học trở lại từ ngày 4-1 thì nguồn nhân lực bị thiếu hụt rất lớn. Giáo viên của trường ông Thái giảm 20% - 30%, đây là lực lượng tinh nhuệ, cốt cán. Giáo viên đang thiếu ở khối 9 và 12, trường đang gấp rút tuyển thêm để khi tất cả HS đi học lại sẽ có đủ thầy cô, bảo đảm việc giảng dạy.
Bên cạnh đó, từ tháng 6 đến tháng 9-2021, Trường THPT Đông Đô không có nguồn thu. Đến tháng 10-2021, trường mới thu tiền học trực tuyến nhưng cũng rất ít. Dù phải tạm đóng cửa trường nhưng những chi phí như: mặt bằng, điện, nước, trả lương cho đội ngũ quản lý… hằng tháng, nhà trường vẫn phải chi trả.
Ông Thái cho hay vì thuê đất tư nhân nên chủ đất chỉ giảm tối đa 25% nhưng có tháng được, tháng không. Ngoài ra, sau nhiều tháng nghỉ do giãn cách, cơ sở vật chất đi xuống, trường phải chi tiền để tu bổ lại. Theo tính toán của ông Thái, mỗi tháng bình quân phải bù lỗ hơn 500 triệu đồng cho trường.
Theo anh Nguyễn Minh Tuấn, chủ trường Mầm non Ngôi Làng Vui Vẻ (quận Bình Thạnh), năm 2021, trường này chỉ hoạt động vài tháng rồi đóng cửa do dịch bệnh. Thời gian đầu đóng cửa, trường có hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho giáo viên nhưng sau đó không thể chi trả nữa. Giáo viên nào bám trụ lại thành phố thì chuyển sang nghề khác, có người thì về quê. Mỗi tháng, anh Tuấn đều phải bù lỗ để trả những chi phí của trường.
"Khi TP HCM cho phép mở cửa lại trường mầm non, việc tuyển dụng lại giáo viên tôi nghĩ sẽ rất khó khăn. Chưa kể, nếu mở rồi có ca bệnh, trường lại phải đóng cửa thì tiền bù lỗ sẽ rất lớn. Giáo viên cũng e ngại việc này nên chưa dám đi làm. Vì vậy, cần có giải pháp bền vững khi mở trường mầm non" - anh Tuấn nhìn nhận.
Ngày mở cửa trường còn rất xa
Không những gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh hay cơ sở vật chất, giáo viên, Trường Tiểu học Nhựt Tân (quận Gò Vấp) cũng gặp khó khăn trong vấn đề tài chính. Nhiều tháng HS không đi học, không có nguồn thu nhưng trường phải trả chi phí hằng tháng, nâng cấp cơ sở vật chất. Cô Trần Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết giống như những trường khác, Trường Tiểu học Nhựt Tân cũng gặp nhiều vấn đề khi giãn cách xã hội kéo dài, số lượng tuyển sinh giảm so với lúc chưa có dịch.
"Những năm trước, tuyển sinh mỗi khối được 3 lớp thì nay còn 2 lớp. Một phần vì gia đình các em không đủ tài chính cho con học trường tư, phải chuyển về trường công; một phần vì HS ở tỉnh không lên học. Trường Tiểu học Nhựt Tân có khoảng 10%-15% HS là từ các tỉnh lân cận TP HCM. Giáo viên cũng nghỉ việc nhiều, trường phải tuyển dụng lại để đủ nhân sự khi HS quay lại trường" - cô Nguyệt cho hay.
Nhiều tháng qua, chị Linh, chủ một trường mầm non ở quận Tân Bình, phải vay mượn người thân, cầm cố đất cho ngân hàng để có tiền duy trì trường. Trường của chị Linh dù nhỏ nhưng mỗi tháng cũng phải trả khoảng 50 triệu đồng tiền thuê mặt bằng và điện nước, trả lãi vốn vay ban đầu mở trường. Một số giáo viên của trường đã xin nghỉ để tìm công việc khác, một số trở về quê. Chị Linh cho biết sẽ lấy ý kiến của phụ huynh, khảo sát số lượng trẻ tham gia học rồi mới quyết định khi nào mở lại trường.
Vừa qua, khi UBND TP HCM cho HS từ lớp 7 trở lên đi học lại từ ngày 4-1, chị Linh đã làm bảng khảo sát gửi đến phụ huynh để tính toán bao nhiêu trẻ sẽ đi học lại khi trường mở cửa. Thế nhưng, chỉ khoảng 10% phụ huynh cho biết sẽ cho con đi học lại.
"Trường tôi có nhiều HS ngoại tỉnh. Khi giãn cách xã hội, nhiều phụ huynh là lao động tự do, công nhân đã đưa con về quê nên bây giờ số trẻ quay lại trường rất ít. Nguồn tuyển sinh của trường cũng không nhiều. Nếu tiếp tục tình trạng này 2-3 tháng nữa chắc tôi sẽ đóng cửa trường" - chị Linh ưu tư.
Kỳ tới: Bán đất, bán nhà xoay xở giữ trường
Giảm hơn 14.000 học sinh
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM về năm học 2021-2022, tính đến ngày 11-9-2021, thành phố có 1.725.530 HS từ mầm non đến THPT, tăng 11.069 em so với năm trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, các trường phổ thông tư thục gặp khó khăn rất nhiều trong công tác tuyển sinh, nhất là nguồn tuyển sinh ở các tỉnh, thành lân cận, dẫn đến giảm 14.301 HS.