Hà Giang giảm bình quân 5,38% hộ nghèo giai đoạn 2021–2025
Sáng 14/5, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021–2025, đồng thời đề xuất phương hướng giai đoạn 2026–2030.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Kim Tiến
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, từ năm 2021 đến nay, chương trình đã huy động hơn 6.844 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương chiếm gần 6.390 tỷ đồng, để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội tại các xã, huyện nghèo trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2024, các đơn vị đã giải ngân 4.473 tỷ đồng, đạt 73,15% kế hoạch, tập trung vào các dự án giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế và công trình cấp nước.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 42,85% (năm 2021) xuống còn 25,93% (cuối năm 2024), tương đương bình quân giảm 5,38% mỗi năm. Đặc biệt, các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn đã đạt mức giảm trên 6%/năm, thể hiện rõ sự chuyển biến tích cực trong công tác xoá đói, giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng.
Hạ tầng thiết yếu được hoàn thiện: 100% xã có đường ô tô tới trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông hoá. 98,07% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm thôn, bản được cứng hoá.
93% đồng bào DTTS đã được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Hạ tầng trường học và trạm y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập và chăm sóc sức khoẻ ban đầu.
Bên cạnh đó, nhiều dự án vệ sinh môi trường, bảo tồn cảnh quan nông thôn “sáng – xanh – sạch – đẹp” đã nâng cao chất lượng sống, đồng thời thúc đẩy trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn: Quy mô chương trình lớn, gồm nhiều dự án thành phần với cơ chế, mức hỗ trợ khác nhau. Văn bản hướng dẫn của Trung ương còn chậm được sửa đổi, bổ sung, dẫn đến lúng túng khi cập nhật, áp dụng ở cơ sở. Nội dung đầu tư có chồng chéo, gây khó khăn trong quản lý và giám sát.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, ông Phan Huy Ngọc, yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố: Hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 25 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong năm 2025. Rà soát, phân bổ nguồn vốn sự nghiệp được Trung ương bổ sung và giải ngân 100% kế hoạch vốn còn lại. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân dự án. Phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh phương thức “trao cần câu” cho người dân, tập trung giải quyết các vấn đề về nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nâng cao chất lượng y tế và giáo dục. Trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, các đơn vị cần đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, kịp thời tham mưu, tháo gỡ vướng mắc và điều chỉnh kế hoạch khi có phát sinh.
Với những kết quả đạt được và định hướng rõ ràng, Hà Giang đặt mục tiêu tiếp tục thúc đẩy giảm nghèo bền vững, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2026–2030, nhằm xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.