• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng học phí không phải là giải pháp căn cơ cho bài toán thiếu giáo viên

Có chút băn khoăn với thông tin trường cấp 2 thuộc diện tốt nhất tỉnh Quảng Ninh, dự kiến tự chủ 100% kinh phí thường xuyên trong năm học tới với mức học phí gần 1 triệu đồng/tháng/học sinh.

Tăng học phí không phải là giải pháp căn cơ cho bài toán thiếu giáo viên

Trường THCS Trọng Điểm có chất lượng giáo dục, đào tạo trong top đầu ở Quảng Ninh. Ảnh: Trường THCS Trọng Điểm

Trường THCS Trọng Điểm, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, trong năm học tới đây sẽ là trường đầu tiên tự chủ 100% kinh phí thường xuyên.

Dự kiến mức thu học phí của trường này sẽ là 960.000 đồng/tháng/học sinh khi tự chủ 100%.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, ngoài Trường THCS Trọng Điểm, còn có nhiều trường học khác cũng đang thí điểm tự chủ từng phần.

Trước hết, phải nhắc lại việc thực hiện tự chủ giáo dục phổ thông không phải là vấn đề gì mới. Nó được nhiều địa phương bắt đầu thực hiện từ năm 2006, khi có Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về quyền tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Đây cũng là vấn đề được Bộ GD&ĐT rất khuyến khích và đã đưa ra ba khâu tự chủ: Tự chủ về chuyên môn, tự chủ về nhân sự, tự chủ về tài chính.

Tuy vậy, sau gần 18 năm thí điểm, vấn đề tự chủ giáo dục phổ thông vẫn còn gây nhiều băn khoăn, chưa có sự đồng thuận cao trong dư luận, nhân dân vì rất nhiều lý do.

Đầu tiên là sự lấn cấn, tâm tư, cảm giác về sự thiếu công bằng, phân hóa giàu nghèo… trong giáo dục phổ thông. Bởi hiện có nhiều địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu… đang miễn 100% học phí các cấp.

Trong khi ngược lại, có nhiều địa phương lại đề xuất tăng học phí. Rồi nhiều trường tự chủ thí điểm từng phần, tự chủ 100% như Trường THCS Trọng Điểm, học phí thu gần 1 triệu đồng/tháng/học sinh.

Mức thu này không phải quá cao so với trường tư (trung bình từ 9 đến 65 triệu đồng/tháng, tùy trường). Nhưng với trường công, đây là mức học phí khá “chát”, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế, thu nhập nói chung những năm trở lại đây của số đông người dân đang rất khó khăn.

Đó là chưa nói việc Nghị định 81/2021/NĐ-CP rất nhân văn được ban hành, quy định miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực 3 vùng dân tộc và miền núi...

Và hướng đến việc, từ năm học 2025 - 2026, học sinh trung học cơ sở trên cả nước sẽ được miễn học phí.

Vấn đề nữa là trường công, với nguồn đầu tư là ngân sách, cơ sở vật chất là tiền ngân sách, nhưng lại thu học phí cao có thể tạo ra sự bất công với khối trường tư khi họ phải đầu tư hoàn toàn cho dù có chính sách ưu đãi về thuế và một số ưu đãi khác.

Tiếp đến, tự chủ tài chính trong giáo dục phổ thông, nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến việc thương mại hóa giáo dục. Học phí thu mức cao ở các trường tự chủ sẽ vì lợi nhuận thay nâng chất lượng giáo dục, phục vụ trực tiếp cho việc dạy và học.

Thậm chí sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát mà giáo dục đại học đang gặp phải là “tự ăn mình” bằng cách tăng học phí, hạ đầu vào để có đủ nguồn thu.

Cuối cùng thì tự chủ tài chính, như Trường THCS Trọng Điểm, mục tiêu lớn nhất là để chủ động trong việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bằng cách chủ động tuyển dụng, trả lương.

Tuy vậy thì vấn đề có tiền để trả lương, tuyển dụng giáo viên cho một hay nhiều trường học cụ thể ở một địa phương cũng chỉ mang tính “dọn dẹp” tạm thời.

Còn căn cơ của vấn đề thiếu giáo viên, gắn liền việc giáo viên nghỉ việc và học sinh không chịu học sư phạm lại là vấn đề cơ chế tuyển dụng, tiền lương, thu nhập, cơ chế đãi ngộ và môi trường làm việc… của toàn ngành giáo dục.

Cho nên, để các trường công tự chủ tài chính bằng cách tăng học phí nhằm giải quyết bài toán thiếu giáo viên cũng giống như cho con bệnh uống thuốc giảm đau, có thể cắt cơn trước mắt nhưng không cẩn thận sẽ gây hại về lâu dài!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết