• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sinh viên ra trường cần thực tế hơn

Tốt nghiệp Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐHQG TP HCM tháng 12-2022, chị Trần Thị Nga (22 tuổi, quê Bến Tre) thử sức tại một công ty IT nhưng chỉ thời gian ngắn đành nghỉ ngang vì thấy không phù hợp.

Sau đó, chị chuyển sang làm nhân viên kinh doanh nhưng công việc này cũng không lâu vì thường xuyên di chuyển ngoài đường, sức khỏe giảm sút. Hiện Nga đang làm nhân viên bán quần áo, mức lương 25.000 đồng/giờ trong thời gian chờ có việc ưng ý. Tham dự nhiều một phiên giao dịch việc làm, chị Nga thất vọng ra về khi không đáp ứng các tiêu chí của nhà tuyển dụng.

Bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, Mai Như Lan hào hứng bắt đầu hành trình mới. Từng thực tập tại một công ty ở quận 1, TP HCM nên khi bước chân vào thị trường lao động, Lan rất tự tin. Thế nhưng, thực tế tìm việc không như kỳ vọng của chị, khi ứng tuyển hơn 50 công ty, chỉ có 5 nhà tuyển dụng liên hệ. Trong đó, có doanh nghiệp trả lời chị không vượt qua bài kiểm tra trình độ tin học văn phòng hoặc yêu cầu phỏng vấn bằng tiếng Anh.

Sinh viên ra trường cần thực tế hơn - Ảnh 2.

Sinh viên mới ra trường tìm việc tại một sàn giao dịch việc làm ở TP HCM vào tháng 8-2023

Ông Trần Vũ Phong, Trưởng bộ phận đối tác nhân sự chiến lược (khối thương mại), Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (quận 1, TP HCM), chỉ ra vấn đề lớn nhất của nhiều sinh viên (SV) mới ra trường là thiếu sự va chạm, cọ xát thực tế. Đó là lý do nhiều doanh nghiệp phát triển chương trình đào tạo tài năng trẻ, trong đó có chương trình quản trị viên tập sự cho SV mới tốt nghiệp hoặc dưới 1 năm kinh nghiệm. Từ đó, ứng viên có thể nâng cao năng lực, cải thiện kỹ năng và được đề xuất làm nhân viên chính thức.

Theo bà Đào Hạnh Giang, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty TNHH Build Talents (quận Bình Thạnh, TP HCM), ưu điểm của lao động trẻ là thông minh, nắm bắt nhanh và giàu nhiệt huyết. Tuy nhiên, họ cần cải thiện về tính cam kết, kiên trì trong công việc và khả năng lắng nghe, thấu hiểu.

Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, sáng lập và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Văn hóa sách Sài Gòn - Saigon Books (quận 3, TP HCM), nhà tuyển dụng thường đánh giá ứng viên dựa trên 6 tiêu chí. Trong đó kiến thức chuyên ngành, ngoại ngữ, thái độ sống là yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, ứng viên thể hiện sự tích cực trong suốt quá trình phỏng vấn dễ gây ấn tượng và trải nghiệm bản thân, mạng lưới quan hệ, sức khỏe, ngoại hình phù hợp là các yếu tố còn lại. "Dựa vào những tiêu chí trên, SV mới ra trường cần trang bị thêm để chinh phục nhà tuyển dụng" - ông Quỳnh khuyên.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...