• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà giáo được từ chối giảng dạy nội dung chưa được đào tạo

Trong những việc nhà giáo không được làm, đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung nội dung nhà giáo không được truyền đạt những kiến thức mà mình không hiểu rõ.

Nhà giáo được từ chối giảng dạy nội dung chưa được đào tạo

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất bổ sung nội dung nhà giáo không được truyền đạt những kiến thức mà mình không hiểu rõ. Ảnh: Quốc hội

Sáng 20.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Nhà giáo. Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho biết, luật quy định nhà giáo được xã hội bảo vệ, kính trọng, tôn vinh, nhưng theo đại biểu, điều thầy cô mong muốn hơn, đó là luôn được người học, phụ huynh kính trọng.

Đại biểu đề xuất khi nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, cũng cần vinh danh tại nơi cư trú của nhà giáo.

“Đây vừa là động lực với nhà giáo, cũng là để nhà giáo giữ gìn hình ảnh người thầy phù hợp với danh hiệu của mình” – đại biểu cho biết.

Theo đại biểu, trước đây gần như không xảy ra việc phụ huynh hành hung giáo viên, hay học sinh xúc phạm thầy cô. Thời gian gần đây, những sự việc trên thỉnh thoảng xảy ra, ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy, truyền thống tôn sư trọng đạo.

"Vì vậy đề nghị khi thầy cô vượt quá giới hạn cho phép, phụ huynh, người học không được giải quyết mâu thuẫn trực tiếp với nhà giáo, mà phải thông qua nhà trường, ban đại diện cha mẹ, cơ quan nhà nước", đại biểu nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, trong những việc nhà giáo không được làm, đại biểu đề xuất bổ sung nội dung nhà giáo không được truyền đạt những kiến thức mà mình không hiểu rõ.

Để thầy cô không vi phạm lỗi này, đại biểu đề xuất bổ sung quy định: Nhà giáo được từ chối giảng dạy những nội dung chưa được đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng: "Tại sao trong Luật Giáo dục đã có một chương về Nhà giáo, nay lại có Luật Nhà giáo, vậy nhà giáo có gì đặc biệt, đề nghị cần làm rõ. Nay mai có cần ban hành Luật Thầy thuốc không?".

Đại biểu cũng nêu thắc mắc, nhà giáo ở cơ sở ngoài công lập có được hưởng chính sách hỗ trợ tại Điều 28 không? Nếu có thì ai là người chi trả? Nếu nhà giáo ở ngoài công lập không được hỗ trợ thì sẽ tạo sự bất công bằng trong xã hội.

Đại biểu đồng tình đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 tuổi, không bị trừ tỉ lệ hưởng lương hưu. Tuy nhiên, cho rằng cần bổ sung quy định trong trường hợp này cần đủ 25 năm đóng BHXH.

Hiện nay, theo quy định của Luật BHXH 2014, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu.

Theo Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2025), người lao động đủ tuổi nghỉ hưu, khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu.

Về nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) đây là quy định phù hợp thực tế, đảm bảo tính nhân văn, đáp ứng nguyện vọng của giáo viên mầm non.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, để quy định này có tính khả thi cao, cần bổ sung cơ chế phù hợp, đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng. Đại biểu gợi ý ngân sách Nhà nước có thể bù vào, hay có cơ chế nào khác.

Đại biểu cũng cho rằng, ngoài giáo viên mầm non, kể cả giáo viên tiểu học cũng mong được nghỉ hưu sớm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...