Hạnh phúc khi được làm nghề giáo
Sau hơn 30 năm gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số vùng biên giới biển, cô giáo Đỗ Thị Hồi nói rằng, cô luôn tự hào, hạnh phúc khi được làm nghề giáo.
Năm 1992, sau khi tốt nghiệp Trung học Sư phạm Sóc Trăng, cô Đỗ Thị Hồi về dạy tại Trường Tiểu học Lạc Hòa 1, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng và gắn bó cho đến thời điểm hiện tại.
Lạc Hoà nơi cô Hồi sinh sống và công tác là vùng đất nghèo khó, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Điều đặc biệt, nơi đây có khoảng 80% học sinh người dân tộc, còn người Kinh rất ít nên việc dạy học lại càng khó hơn nữa.
Cô Hồi cùng các đồng nghiệp đã phải tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán của bà con địa phương để giao tiếp được với học trò, từ đó, có phương pháp dạy học hiệu quả.
Trong ký ức của nữ giáo viên, những năm tháng khi cô mới về công tác tại trường, điều kiện vật chất còn nhiều khó khăn, phòng học nhà xây lợp tôn, còn lại đều là phòng nền đất, mái lá. Giao thông lại càng khó khăn hơn. Những con đường sình, lầy bất kể ngày mưa nắng, lề đường cỏ cao ngập đầu...
"Vài năm nay, Nhà nước đã đầu tư, xây dựng vật chất tương đối ổn. Nhưng vì đời sống thấp, dân trí thấp, nên việc dạy học còn nhiều khó khăn. Nhiều gia đình, vì không có công ăn việc làm, bố mẹ gửi các em ở nhà với ông bà, cô chú... để đi làm ăn xa. Do đó, các em không được quan tâm tốt, đầu tư nhiều cho việc giáo dục" - cô Hồi chia sẻ.
Thương học trò thiệt thòi khi không được lựa chọn hoàn cảnh, điều kiện gia đình, cô Hồi luôn tự nhủ, mình phải làm việc nhiều hơn để giúp đỡ học sinh.
Ngoài giờ lên lớp, bằng tình yêu và trách nhiệm của một nhà giáo, cô Hồi dành thời gian kèm riêng những em học sinh còn chậm tiếp thu, chưa bắt kịp bài giảng. Nhờ đó, mà hàng năm, các lớp do cô phụ trách luôn đạt thành tích cao, học sinh hoàn thành chương trình lớp học, nhiều học sinh được khen thưởng về thành tích học tập và đạt giải cao ở các phong trào.
"Tôi chỉ mong không có học sinh vì bất cứ lý do gì mà bỏ học giữa chừng" - cô Hồi chia sẻ.
Để hỗ trợ học sinh có điều kiện tốt nhất khi đến trường, cô Hồi còn mạnh dạn kêu gọi những nhà hảo tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần giúp các em tiếp bước đến trường, như học bổng, xe đạp, tập viết, quần áo, gạo…
Về phía bản thân, dù mức thu nhập không cao, nhưng cô luôn trích một khoản tiền lương tháng ít ỏi của mình mua tặng học trò những cuốn tập, cây viết... để các em có động lực đến trường mỗi ngày.
Đặc biệt, cô cũng đã cùng chính quyền địa phương mở lớp xóa mù chữ cho người dân vào buổi tối. Cô đã tự vận động và tự mở 1 lớp với 13 học viên; chính quyền địa phương vận động 2 lớp với 27 học viên vào buổi tối để xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho người dân địa phương.
Ngoài công tác giảng dạy, cô Hồi còn có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học được công nhận cấp cơ sở, 3 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh. Nhiều sáng kiến, đề tài được ứng dụng trong thực tiễn.
Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Lạc Hòa 1 cho biết, cô giáo Đỗ Thị Hồi là giáo viên giỏi, nhận được sự quý mến, công nhận của học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp.
Với những thành tích đó, cô Đỗ Thị Hồi đã nhiều lần được công nhận giáo viên giỏi, giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thị xã, cấp tỉnh; đạt giải cao trong thi thiết kế đồ dùng dạy học; liên tục nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; nhận nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Công đoàn giáo dục Việt Nam, UBND tỉnh Sóc Trăng; được nhận giải thưởng “Viên phấn Vàng”, giải thưởng “Võ Trường Toản”.
Năm 2017, cô Đỗ Thị Hồi được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; năm 2018 được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2022 cô được vinh danh là 1 trong 400 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày 27.6.2024, cô được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.