• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỗi lớp tiểu học chỉ 35 học sinh - hay nhưng khó thực hiện

Năm học 2024 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định rõ các trường tiểu học đảm bảo mỗi lớp chỉ 35 em theo quy định.

Lớp đông cô, trò đều vất vả

Mới đây, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đối với bậc tiểu học. Theo Bộ GD&ĐT, năm học trước, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn xảy ra hiện tượng quá tải sĩ số, có nơi xếp gần 50 em/lớp học. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học.

Lớp tiểu học 35 học sinh/lớp - niềm mong mỏi của mọi người

Giảm sĩ số ở cấp tiểu học là niềm mong mỏi của phụ huynh, giáo viên và cả ngành Giáo dục

Trước thực trạng đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đảm bảo sĩ số theo quy định Điều lệ trường tiểu học 35 em/lớp đồng thời có đủ thiết bị dạy học tối thiểu. Đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên đủ dạy các môn học, hoạt động giáo dục.

Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể, các nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Kế hoạch dạy học tối thiểu 9 buổi/ tuần với 32 tiết/tuần. Kế hoạch phải đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường sắp xếp thời khóa biểu khoa học, đảm bảo tỉ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học.

Thông tin này khiến phụ huynh vô cùng háo hức mong đợi. Tuy nhiên, nhìn nhận trên thực tế, việc triển khai ở các trường học không hề dễ dàng.

Chị Nguyễn Thị Tuyến, nhà ở quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, con trai chị năm nay lên lớp 2 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Hà Đông, sĩ số là 53 cháu/lớp, 2 học sinh/bàn.

Lớp đông nên giáo viên chủ nhiệm luân phiên thay đổi chỗ ngồi của học sinh theo tháng hoặc tuần. Nhiều học sinh có thân hình nhỏ bé hoặc cận thị ngồi dưới sẽ rất khó khăn theo dõi bài giảng.

Bên cạnh đó, học sinh tiểu học thường kém tập trung. Vì vậy, sĩ số quá đông cũng là một áp lực lớn với giáo viên chủ nhiệm khi mất đến 10 - 15 phút để ổn định trật tự.

“Tôi ủng hộ việc mỗi lớp 35 học sinh. Khi lớp học quá đông, cả giáo viên và học sinh đều vất vả trong quá trình học tập. Phụ huynh cũng rất mong muốn có thêm trường lớp để giảm tải sĩ số, đồng thời tránh tình trạng căng thẳng trong tuyển sinh đầu cấp”, chị Tuyến cho biết.

Cùng chung suy nghĩ trên, chị Hoàng Thị Thùy Linh, quận Hà Đông cho biết, sĩ số lớp con chị đang là 55 cháu/lớp. Dù đông nhưng trường gần nhà và khá “có tiếng” về chất lượng dạy học nên chị Linh vẫn cố gắng cho con theo học.

“Số lượng trường, lớp chỉ có hạn, trong khi dân cư đông đúc, nên sĩ số lớp cao là điều không tránh khỏi. Nếu muốn con học lớp ít học sinh hơn, chỉ có ra các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, mức học phí cao hơn nhiều, nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện”, chị Linh cho hay.

Không chỉ riêng học sinh, phụ huynh ở quận Hà Đông đối mặt với áp lực về sĩ số lớp học, sĩ số quá 40 học sinh/lớp là tình trạng chung của nhiều cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các quận nội thành.

Chị Trần Thị Thúy - phụ huynh học sinh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: "Con tôi năm nay học lớp 1, sĩ số lớp là 53 học sinh/lớp. Với cơ sở vật chất hạn chế, lớp học của các con chỉ đủ để kê bàn ghế ngồi học.

Toàn bộ tủ để chăn gối phục vụ cho công tác bán trú, ghế ngồi của học sinh đều để ở ngoài hành lang. Dù biết như thế là không gọn gàng, ảnh hưởng đến cảnh quan sư phạm nhưng chắc hẳn nhà trường cũng không còn giải pháp khác".

Giảm sĩ số - niềm mong mỏi của mọi người

Không chỉ riêng phụ huynh đồng tình với hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, rất nhiều giáo viên cũng "đỏ mắt" mong giảm sĩ số lớp học.

Cô Nguyễn Thị Hiền - giáo viên tiểu học ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: "Dạy một lớp 35 học sinh khác hẳn với lớp 50 - 55 học sinh. Sĩ số đông, áp lực lớn, phải xử lý tình huống nhiều, có nhiều hôm tôi đi làm về có cảm giác như thể kiệt sức. Chưa kể đến những lứa học sinh hiếu động, không nghe lời lại càng khiến giáo viên vất vả hơn nữa".

Theo Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hà Đông, Hà Nội cũng cho rằng, giảm sĩ số lớp học xuống còn tối đa 35 em/lớp là quy định hay, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, giảm áp lực cho giáo viên. Tuy nhiên để thực hiện được cần có lộ trình nhất định.

"Đối với các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình - nơi dân số già, dân số cơ học tăng chậm thì quy định này sẽ khả thi hơn so với các quận xa trung tâm, nhiều chung cư, nhà cao tầng, dân số cơ học tăng nhanh như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông", vị hiệu trưởng này chia sẻ.

Nằm trên địa bàn đông dân cư, dân số tăng cơ học nhanh, những năm gần đây, sĩ số học sinh của các trường tiểu học trên địa bàn quận thường trên 50 học sinh/lớp.

Sĩ số tăng trong khi đó cơ sở vật chất của các trường hạn chế, nhiều trường xây dựng lâu trên các khối nhà cũ, khó nâng tầng, sửa chữa... khiến việc giảm sĩ số lớp học càng trở nên khó khả thi hơn.

Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, sĩ số lớp tiểu học 35 học sinh/lớp không chỉ là mơ ước của phụ huynh mà còn là niềm mong mỏi của tất cả mọi người.

Tuy nhiên, theo bà Hằng: "Đây là mục tiêu, đích mọi người hướng đến, đòi hỏi mỗi quận, huyện có giải pháp để phấn đấu đạt được điều đó.

Thực tế, những năm gần đây, số học sinh đầu cấp của quận Hà Đông đều tăng. Năm học 2024 - 2025, toàn quận có 243/243 lớp dành cho học sinh 5 tuổi, 7.778/7.918 học sinh; tỷ lệ 32 học sinh/lớp; học sinh lớp 1 có 258/267 lớp, 10.891/11.383 học sinh; tỷ lệ 42 học sinh/lớp".

Bà Hằng cũng cho biết, năm học này, quận Hà Đông có thêm 5 trường học mới.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp của địa phương tiếp tục tăng mạnh. Dự kiến số lượng học sinh vào lớp 1 tăng 7.000; học sinh vào lớp 6 tăng 58.000; học sinh vào lớp 10 tăng 5.000 so với năm học trước.

Thành phố Hà Nội đang dự kiến sẽ xây thêm 30 - 40 trường mới để đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh các cấp.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết