• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở cửa trường mầm non: Đồng lòng vì học trò

Nhiều tỉnh/thành cuối cùng của cả nước công bố lịch đón trẻ mầm non đi học lại sau thời gian nghỉ dịch. Công tác chuẩn bị cho việc mở cửa trường học đang được gấp rút triển khai.

Đa số phụ huynh đồng ý cho trẻ tới lớp

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn bộ trẻ mầm non trên địa bàn Thủ đô sẽ được đi học trực tiếp trở lại từ ngày 13/4. Đây là địa phương cuối cùng công bố thời gian mở cửa trường mầm non sau hơn 11 tháng phải tạm đóng cửa để phòng tránh dịch Covid-19. Chị Nguyễn Hồng Hoa, trú quận Cầu Giấy bày tỏ: “Thời gian dài vừa qua, việc học online với các cháu không đem lại nhiều kết quả nên tôi chỉ mong các con được đến trường sớm ngày nào hay ngày đó. Do không được đến trường nên trong gần hai tháng qua, tôi đã rủ một vài người bạn ở cùng khu cho con 5 tuổi đi học lớp tiền tiểu học. Đi học, cháu được cô dạy tô chữ, dạy vẽ và nhận biết các số đếm. Sắp tới được đi học trực tiếp, cháu sẽ không cần tham gia lớp học này nữa mà sẽ nhờ cô giáo ở trường mầm non rèn thêm cho các kỹ năng như vẽ, đọc để sẵn sàng vào lớp 1”.

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, cô Nguyễn Thị Thu An - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) - cho hay: Qua khảo sát cho thấy, có hơn 80% phụ huynh đồng ý phương án cho trẻ tới trường học trực tiếp. Trong thời gian qua, nhà trường luôn cập nhật mọi văn bản chỉ đạo và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để sẵn sàng chào mừng “ngày hội đón trẻ”. Trong thời gian từ nay cho đến hết năm học, các cô sẽ tập trung giảng dạy cho trẻ các bài học cần thiết theo kế hoạch đề ra từ đầu năm. Trong đó, với trẻ mầm non 5 tuổi sẽ chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng “tiền lớp 1” như tập tô, tập viết, ngồi học, mở vở…

Cũng theo cô Thu An, hiện lực lượng giáo viên, nhân viên của nhà trường vẫn đáp ứng đủ yêu cầu công việc. Toàn trường có 18 nhóm lớp với 650 học sinh và 55 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong tuần đầu tiên đi học, giáo viên sẽ tập trung rèn nền nếp cho trẻ để làm quen với môi trường; dạy trẻ một số bước cơ bản để phòng chống dịch Covid-19. Về công tác bán trú, nhà trường đã liên hệ với một số nhà cung cấp để xây dựng kế hoạch cụ thể. Trong đó, yêu cầu đối tác phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng nguyên tắc “5K” trong phòng chống dịch bệnh.

Sau hơn một tháng phải nghỉ ngắt quãng thì đến đầu tháng 4, cô trò Trường Mầm non Tiên Tân (TP Phủ Lý, Hà Nam) mới được dạy học trực tiếp. Theo cô Nguyễn Thị Hà – Hiệu trưởng nhà trường, giáo viên đang triển khai dạy theo hướng tập trung vào những nội dung cốt lõi để trẻ đạt được kết quả mong đợi của chương trình. Trẻ 5 tuổi sẽ được học đọc, học viết và tăng cường đi tham quan, trải nghiệm để làm quen với môi trường, sẵn sàng tâm thế bước vào trường tiểu học. Trong quá trình này, giáo viên sẽ “đảo” lại những phần kiến thức cho trẻ mà thời gian tạm dừng đến trường chưa thể hướng dẫn trực tiếp được.

Cũng theo cô Hà, hiện số lượng F0 là học sinh, giáo viên của trường chỉ còn một vài trường hợp và được nghỉ tại nhà. Sau quá trình điều trị và theo dõi, nếu âm tính và sức khỏe đảm bảo thì cho phép quay trở lại trường học trực tiếp. Những ngày gần đây, tỷ lệ trẻ đến lớp đạt trên 80%, tương đương hơn 200 học sinh. Ngành Giáo dục tỉnh Hà Nam đã quán triệt các trường thực hiện theo hướng dẫn mới về cách xử trí F0, F1 tại trường theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tế mỗi địa phương.

Đến nay, nhiều tỉnh, thành cuối cùng đã công bố thời gian trẻ mầm non được trở lại trường từ ngày 12 và 13/4

Còn đó những băn khoăn

Tại tỉnh Ninh Bình, Sở GD&ĐT cũng thông báo từ ngày 12/4, trẻ mầm non trên toàn tỉnh sẽ trở lại trường học trực tiếp. Cô Trần Thị Thoa – đại diện Trường Mầm non Happy School (TP Ninh Bình) - chia sẻ: Nhận được thông tin này, cô trò đều cảm thấy phấn khởi. Từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, nhà trường chỉ được dạy học trực tiếp trong trọn vẹn học kỳ I. Phải tạm thời đóng cửa nên nhà trường gặp muôn vàn khó khăn. Giáo viên không có thu nhập nên có một bộ phận chuyển sang làm nghề khác. Các cô kiên trì bám nghề thì nguồn thu không ổn định, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế gia đình.

“Toàn trường có hơn 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên và khoảng 200 trẻ đang theo học. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát để các hoạt động giáo dục trên lớp không bị ngắt quãng. Lãnh đạo các cấp cũng cần có phương án linh hoạt để tránh tình trạng các trường tư thục dù đầu tư rất nhiều trang thiết bị nhưng phải đóng cửa, trong khi nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh lại lớn. Có người có thể cho con về quê gửi ông bà, nhưng cũng không ít gia đình do bận đi làm không có người trông con nên bắt buộc phải đi gửi… chui”, cô Trần Thị Thoa bày tỏ.

Bà Đường Thị Lệ - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) - thông tin, hiện toàn quận có 73 trường mầm non, khoảng 270 nhóm lớp mầm non tư thục. Các cơ sở sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn phòng dịch và đội ngũ để đón trẻ. Đặc biệt, qua lấy ý kiến khảo sát, có hơn 80% phụ huynh đồng ý cho trẻ trở lại trường học. Dự báo trong những ngày tới, con số này sẽ còn tăng cao. Khi mở cửa trở lại, bên cạnh việc lựa chọn nội dung kiến thức cơ bản đối với kiến thức, kỹ năng để chạy đua với thời gian nhưng không gây áp lực cho trẻ. Hiệu trưởng các trường và chủ các nhóm lớp cần phát huy tâm huyết, sáng tạo của nhà giáo để xây dựng trường học theo hướng chú trọng kỹ năng sống cho tuổi mầm non.

Theo thông tin từ Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, khi trẻ em không được tương tác trực tiếp với giáo viên và bạn bè, việc học, kỹ năng nhận thức và phát triển trí não cũng như các kỹ năng xã hội và làm việc bị ảnh hưởng. Thời gian nghỉ học dài sẽ gây ra các hậu quả còn lâu dài hơn nếu các vấn đề về việc mất tương tác và giao tiếp trực tiếp không được giải quyết kịp thời. Do đó, UNICEF khuyến nghị trường học nên được mở cửa cho học sinh ở mọi lứa tuổi bất kể tình trạng tiêm chủng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...