• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làn gió mới cho giáo dục nghề nghiệp

Trong dịch bệnh, nhiều trường vẫn tìm cách thích ứng để tồn tại và phát triển. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đứng trước cơ hội phát triển mới.

Bên cạnh những trường khó tuyển sinh vẫn có những trường cao đẳng, trung cấp tuyển sinh tốt, thậm chí rất tốt. Đạt được kết quả này, bên cạnh công tác đảm bảo chất lượng đào tạo, các trường đã luôn nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn.

Nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu

Xét về tổng thể, năm 2021, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh không đạt chỉ tiêu để ra. Số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết tính đến 31-12-2021, cả nước tuyển sinh được 1.915.548 người, đạt 85,14% kế hoạch (trình độ cao đẳng, trung cấp: 375.108 người, đạt 65,81%... Một số ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt như máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, du lịch...

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá nguyên nhân khiến tuyển sinh không đạt chỉ tiêu do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc tổ chức đào tạo chuyển sang hình thức trực tuyến, việc thực hành, thực tập tại doanh nghiệp khó thực hiện; công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông không thực hiện theo hình thức trực tiếp; việc di chuyển của người học đến các địa phương gặp khó khăn…

Làn gió mới cho giáo dục nghề nghiệp - Ảnh 1.

Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ thực hành

Chỉ tiêu chung không đạt song nhiều trường cao đẳng tuyển sinh vẫn rất tốt. Thạc sĩ Võ Long Triều, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho biết chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 3.300, kết quả tuyển sinh năm 2021 vẫn vượt chỉ tiêu đề ra. PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, cho biết năm 2021 trường có 2.650 chỉ tiêu, kết quả tuyển sinh vượt hơn 100 sinh viên. Tại nhiều trường khác như Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Trường CĐ Lý Tự Trọng… kết quả tuyển sinh luôn đạt chỉ tiêu đề ra. Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại cho rằng số lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khá nhiều song nguồn tuyển lại không nhiều. Ngoài công tác đảm bảo chất lượng, trường luôn đổi mới công tác truyền thông để tiếp cận thí sinh trong điều kiện không thể tiếp cận trực tiếp do dịch bệnh Covid-19.

Thích ứng nhanh

Ông Đặng Minh Sự, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, cho rằng thời điểm từ tháng 5-2021 khi dịch bệnh bùng phát tại TP HCM, nhiều trường cao đẳng, trung cấp dù phải tạm thời đóng cửa trường nhưng vẫn tích cực trong công tác phòng chống dịch cũng như tăng cường công tác truyền thông để tuyển sinh trong điều kiện mới. Nhiều trường, đặc biệt là trường có đào tạo khối ngành sức khoẻ như Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, Trường CĐ Viễn Đông đã cử giảng viên, sinh viên ngành y tham gia chống dịch.

Cũng theo ông Sự, nhiều trường đã đổi mới công tác tuyển sinh, chuyển từ hình thức tiếp cận trực tiếp sang truyền thông online và trên các phương tiện truyền thông… những nỗ lực đó đã được ghi nhận khi nhiều trường có kết quả tuyển sinh rất tốt.

Đại diện nhiều trường cao đẳng, trung cấp cho rằng hệ thống giáo dục nghề nghiệp quá nhiều cơ sở đào tạo, chất lượng không đồng đều, chồng chéo nên không tập trung được nguồn lực tạo ra sự lãng phí. Điều này đặt ra yêu cầu phải quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo kế hoạch, mạng lưới các trường được đầu tư trở thành trường chất lượng cao từng bước được nâng cao năng lực; đội ngũ giáo viên được nâng cao cả về kỹ năng nghề và sư phạm; cơ sở vật chất được tăng cường, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo theo yêu cầu của thị trường và người sử dụng lao động; năng lực đội ngũ cán bộ quản lý ngày càng được nâng cao; công tác quản trị nhà trường được đổi mới và hiệu quả hơn. Tổng cục cũng tiếp tục rà soát, đánh giá, lựa chọn trường nghề có năng lực đào tạo tốt để hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ theo quy định để đạt tiêu chí của trường nghề chất lượng cao.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết giáo dục nghề nghiệp năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu trong năm 2022, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường đầu tư hoàn thiện toàn bộ nội dung thể chế: chiến lược, quy hoạch, chương trình; nâng cao năng lực đội ngũ, nâng tầm chất lượng đội ngũ cán bộ…, nhất là các địa phương, các cơ sở; sắp xếp bộ máy, mạng lưới; đối mới công tác đào tạo, chú trọng đào tạo mới, đào tạo lại.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...