• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không nên để chứng chỉ IELTS là rào cản bước vào "khung trời đại học"

Nhiều trường đại học đang có dấu hiệu lạm dụng chứng chỉ IELTS khi lấy đây làm một trong những tiêu chuẩn để xét tuyển sinh năm nay.

Không nên để chứng chỉ IELTS là rào cản bước vào

Năm 2024, nhiều trường đại học công bố xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS. Ảnh: Hà Thu

Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước đã có hơn 40 trường đại học thông báo ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS.

Ví dụ, Học viện Quân y, một trong những tiêu chí để xét tuyển, tuyển thẳng là chứng chỉ tiếng Anh IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 55 trở lên.

Hay Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ nhận hồ sơ để xét tuyển kết hợp những thí sinh có IELTS đạt từ 5.5, TOEFL iBT 46, TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160 & W 150).

Hoặc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một trong những điều kiện để xét tuyển thẳng là thi sính phải có các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế (gọi tắt là diện XTT2).

Đây là một sự bất hợp lý đã kéo dài từ nhiều năm nay và danh sách các trường đại học thông báo điều kiện tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ luôn năm sau nhiều hơn năm trước.

Có cảm giác là các trường đại học đang lạm dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung và chứng chỉ IELTS nói riêng trong việc xét tuyển đại học năm nay.

Bởi nếu một trường đại học xét tuyển thí sinh vào học các chuyên ngành như ngoại ngữ, ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung hoặc ngoại giao… thì chứng chỉ ngoại ngữ đương nhiên phải có, phải là điều kiện bắt buộc.

Nhưng nếu chỉ xét tuyển các ngành học bình thường, đòi hỏi ngoại ngữ chỉ là công cụ bổ trợ, giỏi thì tốt, không giỏi cũng chẳng sao thì lại không cần thiết bởi rất nhiều lý do.

Trước hết, việc một học sinh tốt nghiệp phổ thông giỏi không chỉ một mà nhiều ngoại ngữ, có bằng này, chứng chỉ kia cũng không nói lên được điều gì, bởi điều đó không đồng nghĩa với việc học sinh đó có đủ năng lực để theo học tốt một ngành bất kì nào đó ở bậc đại học.

Bây giờ thì học ngoại ngữ, biết ngoại ngữ, giỏi ngoại ngữ không còn là chuyện gì xa lạ với số đông người Việt. Tuy nhiên, không phải ai, đặc biệt là học sinh ở vùng quê, vùng sâu vùng xa cũng có điều kiện để giỏi ngoại ngữ hoặc tiếp cận được với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Nên việc các trường đại học sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để làm tiêu chuẩn khi xét tuyển đại học trước hết sẽ tạo ra một sự thiếu công bằng, làm vuột mất cơ hội của nhiều học sinh.

Đó là chưa nói đến việc các trường đại học đồng loạt yêu cầu về chứng chỉ sẽ tạo ra sự hiểu nhầm đối với học sinh và cả phụ huynh với tâm lý cứ đầu tư thật nhiều cho con theo học chứng chỉ IELTS để chắc suất vào đại học. Thậm chí, có người còn coi đây là tấm vé thông hành, đi tắt một bước để giúp con tự tin, giảm áp lực vào đại học.

Chính điều này đã và đang, sẽ tạo ra những cuộc chạy đua chứng chỉ ngoại ngữ không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém cho gia đình và xã hội.

Đến lúc, các trường đại học cần nghiên cứu, tính toán thật kĩ để đưa ra quyết định tuyển sinh chỉ bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo hướng là điểm khuyến khích cộng thêm đối với những ngành học bình thường.

“Khung trời đại học” với một con người, không thể nào bị ảnh hưởng hay lệ thuộc vào những chứng chỉ ngoại ngữ bất hợp lý như vậy được!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết