• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học tập không bao giờ có dấu chấm hết

Mới đây, tôi có được tham dự một cuộc sinh hoạt của nhóm phụ huynh ở Hà Nội. Nhiều cha mẹ trong nhóm này bày tỏ nỗi lo lắng khi con học lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10.

Họ nói “cuộc chiến” vào lớp 10 của học sinh còn kinh khủng hơn cuộc chiến vào đại học.

Một bà mẹ có con học lớp 9 tâm sự rằng: Nếu con tôi trượt đại học, cháu có thể đi học nghề, chuyển nguyện vọng sang trường khác, hoặc sang năm thi lại. Nhưng nếu cháu không được vào lớp 10, cháu chẳng biết sẽ làm gì. Thế nên, gia đình đang tính toán để cháu học ngày đêm, mời rất nhiều giáo viên kèm cho cháu. Cháu sẽ học thuộc các bài văn mẫu, làm đi làm lại các đề để bảo đảm cháu đỗ được. Bà mẹ này còn tính rằng: Cháu sẽ vào học ở một trường tốp dưới, hết học kì I, gia đình sẽ tính kế để chuyển trường thuộc tốp cao cho con.

Ham muốn của phụ huynh…

Hiện trạng nhiều phụ huynh chỉ muốn con vào trường THPT đã dẫn đến sự quá tải trong học tập, học không đúng cách, tốn kém tiền của và những sai lầm trong hệ thống. Chẳng hạn, các trường học tốp đầu luôn quá tải, số lượng học sinh cao hơn mức cho phép. Tâm lí học lớp kém, trường kém khiến cả nhà giáo dục và học sinh, phụ huynh đều tiêu cực, không tự tin trong giảng dạy và xác định mục tiêu của nhà trường. Trường tốp dưới còn bị coi là chỗ trú chân của những học sinh con nhà “có điều kiện”, để từ đó họ có thể xin chuyển sang trường cao hơn.

Điều đáng lo lắng là tâm lí thi cử, cố học bằng được đã dẫn đến học sinh phải học bằng những cách sai lầm. Một phụ huynh chia sẻ rằng, con chị phải thức đến 2 giờ sáng để học thuộc lòng văn mẫu, làm hàng trăm đề kiểu “nhai đi nhai lại” đến thuộc.

Cả khoa học lẫn thực tế đều cho thấy, việc luyện thi để đỗ có thể giúp học sinh đạt được mục tiêu thi cử nhưng không có mấy ý nghĩa với việc học của họ. Học thuộc lòng thì thường dễ quên. Việc muốn con được điểm cao khiến cha mẹ nghĩ đến nhiều phương án như: Bắt con đi học thêm, nhờ vả giáo viên ưu ái, rồi gian lận thi cử… Dẫn đến, đứa trẻ không học được những kiến thức, kĩ năng cần thiết. Việc học thụ động lâu ngày, lại đúng vào thời điểm trẻ đang hoàn thiện tâm lí sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Trẻ dễ mắc những hội chứng tâm lí căng thẳng, sợ học, học đối phó, lớn lên, trẻ không học được cách học thì khó có thể học lâu dài, thiếu tự chủ ...

… con trẻ nản chí

Mỗi lần về quê, được thanh bình ngắm gà, ngắm bò, ngắm vườn thì ta sẽ cảm thấy thư thái. Nhưng cứ nghe chuyện của người già, người trẻ thì thấy ta lo lắng mỗi năm lại tăng lên. Chuyện đây:

Thằng cháu đã chính thức bỏ học sau mấy năm cứ hành bố mẹ nó lúc lêu lổng, lúc học kém. Nhưng giờ bố mẹ nó còn lo hơn nhiều. Nó đi làm được mấy ngày thì lại bỏ về nhà. Nó nằm dài ra. Nó than thở. Giá nó bỏ học, nó đi làm được thì cũng là việc tốt. Vì ai cũng phải đi làm. Làm sớm hay làm muộn, đều là đi làm cả thôi. Nhưng nó bỏ học mà không biết làm gì. Nó đi học thì nhà nó còn bấu víu niềm tin là có nhà trường, thầy cô quản nó. Nhưng giờ thì có ai đâu.

Trường nó đã dạy cái gì mà nó chán học, sợ học từ lớp 8, lớp 9. Nó đi học cho có chứ sểnh ra là nó điện tử, bỏ học chơi với bạn. Lớp nó có nhiều đứa như nó. Chúng nó chả thiết tha gì với việc học ngoài chuyện đến lớp có bạn có bè. Còn tiền cha mẹ thì vẫn xin đều đều. Ước mơ của nó bố mẹ nó nai lưng ra nuôi.

Trường học đã dạy gì cho nó mà giờ đến 17 tuổi nó chả biết phải làm gì để sống. Nó cũng chả nghĩ đến mẹ nó, bố nó bỏ cả việc để về. Lo mấy cũng thở dài nhìn nhau. Ngay cả khi kiếm được việc làm, nó cũng chẳng đủ sức khỏe, trách nhiệm để mà đảm nhận. Còn kĩ năng nghề, nó có chứng nhận nghề phổ thông, bọn trẻ tốt nghiệp lớp 9 đều có.

Vườn nhà: Nó bỏ trống

Ao nhà: Không có cá bơi

Ruộng nhà: Nó cũng để người khác cấy.

Quê có mẹ con nhà bò với đôi mắt ướt đen to nằm bên nhau.

Quê có đôi con gà thơ thẩn bới đất. Chẳng cần tìm giun. Chúng đã có cám ăn sẵn.

Lúc này đây, biết câu chuyện trên, chúng ta có suy tư gì. Ước gì chúng ta hành động, cần một cú hích để ai cũng tỉnh ra, học cái gì để tương lai con trẻ biết chăm lo cho mảnh vườn, ao cá, mái nhà...; Dạy cái gì cho thanh niên để chúng không chán. Chúng không thương vay khóc mướn mấy nhân vật trên tivi, trên mạng xã hội... Chúng đừng thôi học chỉ vì dịch chuyển nỗi chán chường, chúng không cố học chỉ vì sẽ được lên lớp, sẽ không phải làm việc nhà... Người lớn chúng ta cũng cần học để chúng ta ứng xử, hành động có ích hơn đối với việc học của con mình. Sự học như thế có áp lực quá không? Có xứng là “học tập không bao giờ có dấu chấm hết”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...