Giáo viên và học sinh cùng "nhóm lửa" đam mê Lịch sử
Tạo cảm hứng học Lịch sử, giáo viên thường xuyên đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy gắn với hình ảnh, sách truyện. Bên cạnh đó, nhiều học sinh chủ động nuôi dưỡng đam mê với lòng biết ơn, say mê lịch sử.
Trò nuôi dưỡng đam mê
Em Khuất Nguyễn Bảo Châu, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội đã “nhóm lửa” đam mê với môn Lịch sử từ nhỏ khi đọc những bộ truyện tranh có yếu tố lịch sử như Thần Đồng Đất Việt. Lên cấp 2, Châu càng yêu thích và quyết tâm theo học bộ môn này nghiêm túc.
“Mới đầu đọc sách giáo khoa, em thấy có nhiều khái niệm khó hiểu nên em đã lên mạng tìm hiểu về cuộc đời của những nhân vật nổi tiếng được nhắc đến trong sách Lịch sử. Càng học sâu, em càng thấy Lịch sử là môn học thú vị. Mỗi lần đọc chuyện lịch sử, em lại phát hiện ra góc nhìn mới ẩn sau những nội dung đó”, Châu bày tỏ.
Nhiều năm gắn bó với môn Lịch sử, Châu bày tỏ: Học lịch sử giúp em xây dựng lòng biết ơn với những thế hệ đi trước. Không chỉ hiểu về văn hóa Việt Nam, lịch sử giúp em tìm hiểu về văn hóa của các nước trên thế giới. Từ đó em tự tin có thể mang văn hoá, lịch sử nước mình giới thiệu và giao lưu cùng bạn bè thế giới.
Chia sẻ về kinh nghiệm học Lịch sử, Châu cho biết: Em thường kết hợp xem các bộ phim tài liệu hoặc điện ảnh về chủ đề lịch sử. Đôi khi, em xem các bức ảnh, tranh về những sự kiện lịch sử nổi tiếng. Nhờ đó, em có cái nhìn sâu hơn về các sự kiện lịch sử và ghi nhớ tốt hơn.
“Khi học Sử, em thường gán các sự kiện lịch sử với những hình ảnh làm em ấn tượng và ghi nhớ các mốc thời gian lớn, sau đó tiếp tục chia nhỏ từng sự kiện để ghi nhớ. Các sự kiện lịch sử thường có tính trước sau nên khi ghi nhớ một sự kiện, người học có thể suy luận ra sự kiện trước và sau đó”, Châu bật mí về phương pháp học môn Lịch sử.
Giống như Bảo Châu, Lê Hoài Nam yêu thích và có thế mạnh ở môn Lịch sử. Từ nhỏ, Nam đã tiếp xúc với lịch sử thông qua những câu chuyện của ông về cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hiện, Nam là học sinh lớp 11 Sử, Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội.
Giành giải nhì môn Lịch sử tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2022, Nam bày tỏ: Với em, Lịch sử là một môn học rất đặc biệt bởi đây là một môn khoa học bao trùm những môn khoa học khác và cũng cần những cách học đặc biệt. Có nhiều bạn bảo môn Lịch sử chỉ cần học thuộc nhưng với em, Lịch sử là học hiểu, là học thấu.
Nam chia sẻ đã vận dụng đa dạng cách tiếp cận với mỗi vấn đề lịch sử bởi mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử sẽ có những đặc điểm khác nhau. Trong đó, phương pháp học thường xuyên nhất là học từ chính những sự vật hoặc hiện tượng lịch sử thực tế. Em lấy ví dụ thường tham quan các bảo tàng, các khu di tích, làm khảo sát... Trải nghiệm từ thực tế giúp em thêm yêu và thêm hiểu Lịch sử.
Bên cạnh trau dồi niềm đam mê môn học này, Hoài Nam từng là diễn giả cho dự án High School Help Kit, dự án phi lợi nhuận hỗ trợ phụ huynh, học sinh tìm hiểu về kỳ thi tuyển sinh lớp 10, đặc biệt là thi vào trường chuyên. Em thường chia sẻ kinh nghiệm học và ôn thi môn Lịch sử cho các em học sinh THCS có chung sở thích và mục tiêu thi chuyên.
"Đối với em, việc tham gia dự án hỗ trợ này là cách chia sẻ, lan tỏa tình yêu môn Lịch sử và giúp các bạn học sinh có thêm nhiều phương pháp hay, hiệu quả để học Lịch sử". Nam bày tỏ.
Thầy cô khơi gợi hứng thú học tập
Là giáo viên nhiều năm “cắm bản”, thầy giáo Nguyễn Trung Hiếu, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, mong muốn có thể khơi gợi tình yêu lịch sử cho những học sinh dân tộc thiểu số.
Thầy giáo nhấn mạnh học sinh có thể yêu và học môn Lịch sử nếu giáo viên có nhiều phương pháp giảng dạy hấp dẫn, tích cực, hiệu quả. Được sự ủng hộ của ban giám hiệu nhà trường, thầy cùng các giáo viên chuyên môn thành lập Câu lạc bộ Lịch sử nhằm lan tỏa tình yêu bộ môn này cho học sinh.
“Trong quá trình dạy, tôi cố gắng tìm tòi câu chuyện, phim, sách tranh lịch sử để phối hợp giảng dạy cùng nội dung trong sách giáo khoa. Học sinh ở nội trú nên mỗi tiết sinh hoạt chung, tôi thường lồng ghép chiếu phim, đọc sách về chủ đề lịch sử rồi cho các em thảo luận”, thầy Hiếu cho biết.
Còn Thạc sĩ Lê Thị Mỹ Dung, Tổ trưởng Chuyên môn Trường THPT Hà Trung, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh: Để nâng cao hiệu quả dạy và học môn Lịch sử, giáo viên cần tạo hứng thú bằng phương pháp lồng ghép đóng vai, kể chuyện minh họa cho bài giảng. Giáo viên có thể vừa là người dẫn chuyện, đồng thời là người dẫn dắt, gợi ý giúp học sinh nắm vững cốt truyện.
Để thu hút học sinh vào bài học, cô Dung thường sử dụng các câu chuyện lịch sử kết hợp quan sát và kênh hình. Đơn cử, những bài học có liên quan đến một cuộc khởi nghĩa, cô sử dụng bản đồ, sa bàn… để tường thuật nội dung sinh động. Ở tiết học khác, cô dung lồng ghép thơ, văn văn học và lịch sử có nhiều sự gắn kết với nhau. Đôi khi một tác phẩm văn học tự nó đã là tư liệu lịch sử.