• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo viên nhận định đề thi Ngữ văn phân hóa, học sinh dễ dàng đạt điểm 6

Theo nhận định của các giáo viên và chuyên gia, đề thi Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 bám sát chương trình sách giáo khoa, có tính phân loại học sinh.

Giáo viên nhận định đề thi Ngữ văn phân hóa, học sinh dễ dàng đạt điểm 6

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Phong Linh

Thí sinh dễ dàng đạt 5 - 6 điểm

Nhận định về đề thi Ngữ văn năm nay, cô Phạm Thị Thu Phương – giáo viên môn Ngữ Văn tại Tuyensinh247.com - cho rằng, đề thi đã giữ nguyên cấu trúc của đề minh họa kì thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn do Bộ GDĐT công bố.

Với đề thi này, học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được 5 - 6 điểm, đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp. Học sinh khá có thể đạt được trên dưới điểm 7, học sinh giỏi có thể đạt được điểm 8 trở lên.

TS Trịnh Thu Tuyết – giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI - cũng cho rằng, đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023 bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo của Bộ GDĐT.

Phần I, Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi phân loại theo ba mức độ nhận thức. Hai câu đầu (câu 1 và 2) đều là câu hỏi dừng ở mức độ nhận biết. Nên chăng, từ những kì thi sau, số lượng 4 câu Đọc hiểu nên phân bổ đều theo mức tăng dần của 4 mức độ nhận thức: Nhận biết – Thông hiểu – Vận dụng – Vận dụng cao.

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Câu 3 là câu hỏi ở mức độ vận dụng, yêu cầu thí sinh vận dụng những kiến thức Tiếng Việt, tu từ để phân tích và làm rõ tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong 4 dòng thơ của khổ 2 – câu hỏi này không khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải phân tích được đồng thời cả giá trị biểu đạt và giá trị biểu cảm của hai hình ảnh so sánh “Mưa ròng ròng như triệu ngón tay” và “Ngỡ như hành quân trở về tuổi nhỏ”.

Câu 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân từ những suy ngẫm của tác giả Anh Ngọc trong dòng thơ “Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình”.

Câu hỏi này đòi hỏi thí sinh trước hết phải hiểu được những tầng nghĩa hàm ẩn của hình ảnh “cơn giông”; liên tưởng và suy nghĩ nghiêm túc về những “cơn giông của riêng mình” từ sự gợi ý có thể nhận được bởi những suy ngẫm của nhà thơ Anh Ngọc.

Đây là câu hỏi đáp ứng tốt yêu cầu ở mức độ vận dụng cao, giúp thí sinh thể hiện được quan điểm, chính kiến của mình về cách nghĩ, cách sống giữa một cuộc sống đầy biến động.

Những tiếc nuối về đề thi Ngữ văn

Theo TS Trịnh Thu Tuyết, câu nghị luận văn học của đề thi năm nay vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc: Sau trích đoạn cuối cùng của truyện ngắn “Vợ nhặt” là một câu lệnh có 2 vế tương ứng với 2 yêu cầu: Phân tích đoạn trích trong truyện ngắn và “nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích”.

Tuy nhiên, TS Tuyết cho biết cảm giác tiếc khi ngữ liệu được chọn để nghị luận không phải là đoạn văn hay nhất, tiêu biểu nhất cho tài hoa của nhà văn Kim Lân trong nghệ thuật miêu tả tâm lí và khắc họa chân dung nhân cách, thân phận…

"Nhìn chung, đề thi Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT 2023 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Cũng như nhiều năm trước, đề thi vừa sức, quen thuộc, hơn thế nữa, do mô hình cơ bản không thay đổi nên các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại chủ yếu được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo" - TS Trịnh Thu Tuyết nhận định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết