• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo dục vấn đề bình đẳng giới trong SGK không còn là khẩu hiệu

Theo đánh giá của một số giáo viên, hiện nay chương trình sách giáo khoa (SGK) mới đã cải thiện được vấn đề bình đẳng giới, tuy nhiên việc lồng ghép này cần phải đẩy mạnh hơn nữa.

Giáo dục vấn đề bình đẳng giới trong SGK không còn là khẩu hiệu

Giáo viên đồng tình việc đẩy mạnh lồng ghép bình đẳng giới trong SGK. Ảnh minh hoạ: Bích Hà

Lồng ghép vào từng bài học

Một trong những điểm ưu việt của chương trình sách giáo khoa mới hiện nay là các vấn đề về giới, bình đẳng giới được chú trọng lồng ghép vào các bài học.

Là người luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới nội dung trong SGK, cô Nguyễn Thị Thắm - giáo viên Trường Tiểu học Đinh Xá (Hà Nam) cho biết, bản thân rất bất ngờ khi đọc thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thống kê số liệu về giới trong SGK.

“Cách đây vài năm, bản thân rất sốc khi trong số 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 có tới 69% nam giới, nữ 24% và trung tính về giới (ví dụ đứa trẻ, học sinh, phụ huynh) là 7%. Ngoài ra, con số 95% ví dụ trong SGK là về các nhân vật quan trọng, nổi tiếng là nam giới” - cô Thắm kể lại.

Tuy nhiên, sau thời gian các nhà biên soạn sửa đổi và bổ sung, cô Thắm thấy rằng vấn đề về giới được quan tâm hơn.

“Là giáo viên dạy lớp 1, tôi hoàn toàn nhận ra sự thay đổi rõ rệt của SGK hiện nay và so với trước đây. Các tranh, ảnh trong sách có tỉ lệ hình ảnh nam giới và nữ giới tương đồng. Tuy nhiên, về phía bản thân, tôi mong muốn sẽ có thêm những nghề nghiệp minh hoạ cho phái nữ hơn” - cô Thắm chia sẻ.

Dưới góc độ nhà giáo, cô Nguyễn Thị Thoa - giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Hải Dương) cho rằng, việc lựa chọn các nhân vật trong SGK mới hiện đang thực hiện khá tốt.

“Theo quan điểm của tôi, trước khi chọn lựa một nhân vật nào đó để đưa vào trong chương trình học đều có sự xem xét, phê duyệt kỹ càng của hội đồng biên soạn sách.

Những nhân vật trong sách Ngữ văn tôi giảng dạy cũng tương tự như môn Lịch sử. Đều là những người nổi tiếng, có công trạng, tạo nên tầm ảnh hưởng. Đặc biệt, những nhân vật được chọn trong SGK thường không phải nhân vật trong xã hội hiện tại” - cô Thoa cho hay.

Lý giải về việc các nhân vật trong SGK hiện nay thường là nhân vật nam, có tên tuổi, xuất hiện từ lâu đời, cô Thoa nhận định điều này xuất phát từ quan niệm xưa, đàn ông luôn là người tạo nên chiến công. Các tác giả muốn ghi nhớ và đề cao công ơn của họ.

Cũng theo cô Thoa, có những nhân vật nữ tạo tầm ảnh hưởng như nam giới mà vẫn không được chọn vào SGK không có nghĩa rằng, họ không được coi trọng hay bị bỏ rơi.

“Phụ nữ luôn luôn được coi trọng và đề cao trong mọi mặt của đời sống. Tuy không xuất hiện nhiều bằng nam giới trong SGK nhưng ở khía cạnh khác, họ sẽ toả sáng và tạo ra giá trị riêng biệt.

Tôi có thể lấy dẫn chứng, trong SGK Ngữ văn, Nguyễn Du là tác giả nam nhưng tác phẩm của ông lại đau đáu những nỗi đau của phụ nữ trong xã hội phong kiến. Do đó, chúng ta nên cởi mở góc nhìn để thấy được vị thế của người phụ nữ chưa bao giờ biến mất. Chúng tôi luôn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào từng bài học để giảng cho học sinh” - cô Thoa bộc bạch.

Thay đổi định kiến về vị thế của đàn ông và phụ nữ

Thứ trưởng Bộ GDĐT - Ngô Thị Minh - Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục - cho biết: Thời gian qua, Bộ GDĐT đã quan tâm xóa bỏ định kiến giới trong chương trình, sách giáo khoa, giúp nâng cao nhận thức của ngành Giáo dục nói riêng và toàn xã hội chung về vấn đề giới.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và Chương trình giáo dục phổ thông các môn học đều thể hiện rõ quan điểm: “Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục và pháp luật liên quan (trong đó có Luật Bình đẳng giới); tạo cơ hội bình đẳng về quyền được bảo vệ, chăm sóc, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng và được tham gia của học sinh”.

Đánh giá tầm quan trọng của giáo dục, đặc biệt sách giáo khoa trong việc tuyên truyền các vấn đề về giới, cô Nguyễn Thị Thoa - giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Hải Dương) mong muốn số lượng nhân vật nữ sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa.

“Tôi hy vọng phần văn học hiện đại có cơ hội cập nhật thêm tác giả nữ vì giai đoạn này hiện đã có thêm nhiều nữ tác giả có sức ảnh hưởng lớn đến văn đàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Bên cạnh việc bổ sung hình ảnh nữ giới vào SGK, chính giáo viên sẽ là người chủ động đưa các vấn đề bình đẳng giới vào từng bài giảng. Để làm được điều này, giáo viên cần có kiến thức về bình đẳng giới, lồng ghép khéo léo vấn đề giúp học sinh có hành vi, thái độ ứng xử chuẩn mực. Ví dụ, dạy về tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" cần phê phán vấn nạn bạo lực gia đình, bảo vệ, chia sẻ với người phụ nữ” - cô Thoa gợi ý.

Cùng chung suy nghĩ với cô Thoa, cô Đàm Thị Ánh Ngọc - giáo viên dạy môn GDCD cấp THPT tại Hà Nội cho rằng, kiến thức về giáo dục giới tính và bình đẳng giới có thể được lồng ghép và là nội dung tích hợp ở tất cả môn học, trong đó mạnh nhất và sâu sắc nhất là ở môn Ngữ văn. Phải giáo dục cho học sinh thấy rằng, mọi công việc hay vị thế của đàn ông và phụ nữ là như nhau.

“Phải tạo cho các em một tư duy rằng đàn ông cũng có thể rửa bát, quét nhà, đàn bà cũng có thể làm công việc xã hội. Định hướng từ nhỏ để các em không có quan niệm mất cân bằng giới. Suy nghĩ bình đẳng giới phải được tiếp xúc từ trong môi trường giáo dục thay vì chỉ có nêu khẩu hiệu thông thường” - cô Ngọc đề xuất.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết