Để không xa chất lượng
Về pháp lý, bằng tốt nghiệp đại học hệ đào tạo từ xa được công nhận có giá trị tương đương so với bằng đại học chính quy.
Ảnh minh họa ITN |
Tuy nhiên, thực tiễn còn những hoài nghi về chất lượng hệ đào tạo từ xa. Dư luận băn khoăn và đặt câu hỏi, bằng tốt nghiệp đại học hệ này có thể ngang bằng với chính quy?
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong bằng tốt nghiệp đại học không còn ghi loại hình học tập. Nghĩa là, dù học hình thức nào cũng chỉ có bằng tốt nghiệp đại học, không phân biệt hệ vừa làm, vừa học, từ xa hay chính quy như trước đây.
Được thực hiện ở Việt Nam từ năm 1993, phương thức đào tạo từ xa được các trường đại học áp dụng là đào tạo trực tiếp và trực tuyến (E-Learning). Không phủ nhận, phương thức này đã tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, góp phần thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Tham gia học từ xa có nhiều đối tượng với điều kiện và mục đích học tập khác nhau. Có người đã tốt nghiệp đại học nhưng muốn bổ sung kiến thức; có người muốn có thêm bằng đại học để phục vụ công việc, học tập, nghiên cứu...
Từ xa là một loại hình đào tạo phù hợp với lựa chọn của nhiều người chứ không phải giải pháp “đường vòng” để sở hữu tấm bằng đại học. Năm học 2024-2025, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Bộ GD&ĐT xác định là, tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: Bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến dùng chung; thực hiện học bạ số.
Bộ đang tích cực triển khai, đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục; cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS) với 470 cơ sở đào tạo đại học, trên 25.000 chương trình đào tạo.
Thẳng thắn mà nói, không phải tất cả người học từ xa đều có năng lực kém hơn những người học chính quy; bởi suy cho cùng, với mỗi trường, mẫu số chung cho tất cả các phương thức đào tạo là chất lượng. Chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo và chất lượng đầu ra… được coi nhiệm vụ sống còn của mỗi trường, nó là huyết mạch để xây dựng và phát triển thương hiệu.
Đào tạo từ xa được coi là bước đi đón đầu nhằm đào tạo ra đội ngũ lao động có đủ tri thức, kỹ năng thích ứng và hội nhập quốc tế. Dẫu vậy, cần có quan điểm rõ ràng về phương thức, chương trình đào tạo từ xa, nhất là trong bối cảnh xã hội chưa thật tin tưởng về phương thức này. Do đó, cần có giải pháp kiểm soát chất lượng, bởi người học và giáo viên không tương tác trực tiếp với nhau, khó kiểm soát được kết quả, chất lượng đào tạo.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo từ xa theo xu hướng phát triển của khu vực và thế giới, thiết nghĩ cần có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho việc phát triển loại mô hình đào tạo này; trong đó, việc kiểm định chất lượng đầu ra và các văn bằng sau khi đào tạo phải được xem xét, đánh giá một cách chặt chẽ, bình đẳng, công khai.
Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng đào tạo và công bằng cho tất cả sinh viên, cần kết hợp hài hòa giữa việc nâng cao chất lượng đầu vào và đầu ra, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng được tiếp cận với giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT cũng nên công khai đánh giá, kiểm định chất lượng đại học đào tạo từ xa.