• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Biến đổi khí hậu được dạy như thế nào?

Biến đổi khí hậu và tính bền vững được nhiều quốc gia đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nhằm nuôi dưỡng thế hệ tương lai chung sống hòa bình cùng thiên nhiên.

Tuy nhiên, số quốc gia dạy về biến đổi khí hậu còn thấp trong khi chất lượng môn học này chưa được bảo đảm.

Nội dung mới trong chương trình phổ thông

Biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ và tác động tiêu cực đến đời sống của con người. Tháng 4 vừa qua, Ấn Độ đã trải qua quãng thời gian nắng nóng kỷ lục nhất trong 122 năm với mức nhiệt lên tới 50 độ C.

Tại Bangladesh, một trong những quốc gia được đánh giá phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, 1,7 triệu trẻ em phải bỏ học, theo gia đình lao động kiếm thêm thu nhập.

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia phát triển đã đưa biến đổi khí hậu vào nội dung giảng dạy nhằm mang lại hiểu biết, giải pháp cho học sinh, góp phần giảm thiểu tác động của vấn đề.

Italy là quốc gia đầu tiên đưa biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vào chương trình học bắt buộc từ năm 2020. Trong đó, tính bền vững được hiểu là đáp ứng các nhu cầu của hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng đến khả năng của các thế hệ tương lai. Ba trụ cột của tính bền vững là kinh tế, môi trường và xã hội.

Cụ thể, các trường phổ thông sẽ dành một giờ mỗi tuần, tương đương 33 giờ mỗi năm, để thảo luận về các vấn đề biến đổi khí hậu như ô nhiễm đại dương, tài nguyên tái tạo, cuộc sống bền vững...

Bài học sẽ được tích hợp trong môn Công dân. Những môn học truyền thống như Địa lý, Toán học và Vật lý sẽ được nghiên cứu từ quan điểm phát triển bền vững.

“Khí hậu và tính bền vững trở thành trung tâm của mô hình giáo dục. Bộ Giáo dục mong muốn hệ thống giáo dục Italy sẽ trở thành hệ thống giáo dục đầu tiên đặt môi trường và xã hội làm cốt lõi trong giáo dục phổ thông”, ông Lorenzo Fioramonti, Bộ trưởng Giáo dục Italy cho biết.

Tại New Zealand, từ năm 2020, các trường học có quyền truy cập vào tài liệu về khủng hoảng khí hậu do các cơ quan khoa học hàng đầu cả nước nghiên cứu. Biến đổi khí hậu được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông dành cho học sinh từ 11 đến 15 tuổi. Mỗi trường sẽ nhận được tài liệu gồm sách, video và hướng dẫn dành cho giáo viên để lên nội dung và kế hoạch giảng dạy.

Học sinh được dạy về vai trò của khoa học trong việc nắm bắt tình trạng biến đổi khí hậu, cách thức ứng phó với biến đổi khí hậu hoặc tác động của nó lên phạm vi toàn cầu.

Sau khi trao đổi và thảo luận cùng bạn bè, học sinh lập kế hoạch hành động về một vấn đề môi trường cụ thể. Ví dụ, thành lập nhóm trồng khu vườn rau sạch; đưa ra các ý tưởng mà mỗi học sinh có thể tham gia vào quá trình giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Đầu năm 2022, Singapore ra mắt Chương trình Quản lý sinh thái nhằm giáo dục học sinh về tính bền vững, trong đó có tính bền vững về môi trường. Chương trình lồng ghép trong các môn học phổ thông và thông qua trải nghiệm thực tế để nâng cao ý thức của học sinh trong việc bảo vệ môi trường.

Ngoài chương trình giảng dạy có cấu trúc, học sinh thường xuyên dọn rác trong lớp học. Mỗi lớp chọn ra hai học sinh làm “đại sứ xanh” nhằm bảo đảm những vật dụng có thể tái chế được bỏ vào đúng thùng chứa.

Ấn Độ hiện không có chương trình giảng dạy về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một số khía cạnh như tính bền vững, nghiên cứu về môi trường đã được lồng ghép trong trường phổ thông, đại học.

Đơn cử, tại Trường Shri Ram, thành phố Gurgaon, trẻ em học cách trồng cây, làm dự án từ sản phẩm tái chế khi thảo luận về những thay đổi của thời tiết, tác động của kinh tế - xã hội với môi trường.

Học sinh trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường

Khó khăn phía trước

Khủng hoảng khí hậu không còn là mối đe dọa của một tương lai xa mà là một thực tế toàn cầu. Không có giải pháp nào mà không có giáo dục. Mọi giáo viên cần được trau dồi kiến thức để dạy về biến đổi khí hậu, còn mọi công dân cần được dạy về biến đổi khí hậu và được trao quyền để trở thành một phần của giải pháp. Audrey Azoulay Tổng Giám đốc UNESCO, chia sẻ.

Dù các quốc gia phát triển đang tích cực giáo dục trẻ em, thanh thiếu niên về biến đổi khí hậu và tính bền vững, lĩnh vực này chưa được khai thác sâu trong chương trình giáo dục.

Tại hội nghị COP26 năm 2021, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) cảnh báo hệ thống giáo dục của các quốc gia hiện nay chưa thể hỗ trợ giải quyết mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Dữ liệu của UNESCO từ 100 quốc gia cho thấy, chỉ 53% chương trình giáo dục quốc gia trên thế giới đề cập đến biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ưu tiên dành cho chủ đề này trong chương trình học là rất thấp.

Ngoài ra, ít hơn 40% giáo viên tham gia khảo sát có thể tự tin giảng dạy về mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Chỉ khoảng 1/3 giáo viên có thể giải thích những tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực và địa phương.

Sau gần 2 năm triển khai chương trình học bắt buộc về biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Giáo dục Italy, Lorenzo phải thừa nhận rằng, việc giáo dục biến đổi khí hậu trong trường học là việc làm “chắp vá”.

Do ảnh hưởng của Covid-19, trường học phải liên tục thích ứng với việc dạy học trực tuyến – trực tiếp, phòng chống dịch và bảo đảm nội dung chương trình học truyền thống. Những chương trình đổi mới chưa được triển khai sâu rộng và hiệu quả.

Còn tại Mỹ, dù nhiều phụ huynh ủng hộ trường học dạy về biến đổi khí hậu, nội dung này vẫn chưa được đưa vào chương trình giáo dục quốc gia và là chủ đề gây nhiều tranh cãi.

TS Nan Renner, Trường Đại học California, Mỹ, nhận định, biến đổi khí hậu là vấn đề rất phức tạp liên quan đến hệ sinh thái, môi trường sống, điều kiện xã hội... trong khi giáo viên phổ thông hiện nay thiếu kinh nghiệm và kiến thức khi đề cập đến vấn đề này. Do đó, việc giảng dạy về biến đối khí hậu trong trường học còn vấp phải khó khăn.

Sau hai năm dịch Covid-19, trường học đang dần khôi phục hoạt động bình thường. Trong bối cảnh đó, cộng với những tác động ngày một rõ nét của biến đổi khí hậu, các chuyên gia kỳ vọng các trường học, các quốc gia sẽ tăng cường và thúc đẩy hơn nữa vai trò của giáo dục biến đổi khí hậu với thế hệ tương lai.

Giáo dục biến đổi khí hậu có thể thực hiện từng bước nhưng nhất định phải được triển khai vì “không ai đứng ngoài cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...