• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lào Cai thí điểm phổ cập giáo dục mầm non 4 tuổi

Lào Cai đang triển khai thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi trên 8 huyện, thị trấn, thành phố.

Thực tế đã ghi nhận sự quan tâm, nỗ lực vượt khó của địa phương, ngành Giáo dục và các nhà trường để mang lại kết quả khả quan nhất.   

Chênh lệch điểm xuất phát

Ngành Giáo dục thành phố Lào Cai có điều kiện thuận lợi để thí điểm phổ cập giáo dục trẻ mầm non 4 tuổi hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố - cho biết: Số trẻ mẫu giáo 4 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 99,7% với 94 lớp. Giáo viên dạy lớp 4 tuổi là 188/94 lớp, đạt tỷ lệ 2 giáo viên/lớp và trình độ giáo viên trên chuẩn đạt 94/176 cô, giáo viên đạt chuẩn 82/176 cô. Ngành đang bố trí giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn đứng lớp mẫu giáo 4 và 5 tuổi.

Cùng đó, cảnh quan trường lớp được các cơ sở giáo dục quan tâm cải tạo. Một số trường chú trọng phát triển mô hình trường, lớp theo hướng hiện đại hóa, hội nhập, tiêu biểu. Thiết bị đồ dùng, đồ chơi cũng được bổ sung để bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất. Đặc biệt, nhà trường đã khuyến khích giáo viên tích cực sáng tạo trong tự tạo đồ dùng, đồ chơi phục vụ dạy và học…

Nằm trên địa bàn thị trấn nên Trường Mầm non thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà) có điều kiện thuận lợi trong việc triển khai phổ cập mầm non 4 tuổi. Cô Nguyễn Thị Lệ Hằng - Hiệu trưởng nhà trường - vui mừng thông tin: Cơ sở vật chất vừa được đầu tư xây mới, phòng học phòng chức năng đã đáp ứng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nhiều trang thiết bị dạy học hiện đại cũng được đưa vào sử dụng phục vụ việc nuôi dạy trẻ…

Mặt khác, trường đã có nhiều kinh nghiệm từ phổ cập mầm non 5 tuổi nên sớm bố trí giáo viên có năng lực dạy lớp 4 và 5 tuổi. Đội ngũ bảo đảm tỷ lệ 2 giáo viên/lớp và 50% giáo viên dạy lớp 4 tuổi có trình độ trên chuẩn. Chủ trương cho trẻ làm quen tiếng Anh giúp 90% trẻ 4 tuổi được tiếp cận sớm. “Việc triển khai thí điểm phổ cập giáo dục trẻ mầm non 4 tuổi không phải là nỗi lo của trường khi các điều kiện chung đã vượt mức yêu cầu…”, cô Hằng khẳng định.

Ngược lại, các trường vùng sâu, khó khăn gặp nhiều thách thức cơ sở vật chất, cần sự quan tâm đầu tư, đồng bộ, nhanh chóng từ địa phương, nhà trường.

Cô Hà Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trịnh Tường (Bát Xát, Lào Cai) - minh chứng thực tế của trường: Số phòng học được xây dựng từ đề án phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi nên không còn phù hợp yêu cầu hiện tại. Bếp ăn không vận hành theo quy trình một chiều, không có nhà vệ sinh dành riêng cho trẻ em nam, nữ. Thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi của trẻ được cấp phát từ lâu nên không chỉ thiếu về số lượng, mà còn không đồng bộ.

Cũng theo cô Huyền, theo quy định mới phổ cập giáo dục trẻ mầm non 4 tuổi, trường còn 4 giáo viên chưa đạt chuẩn, đang cử đi học. Và do trường vùng cao nên tồn tại nhiều điểm trường lẻ ở các thôn, bản mà cơ cấu nhân viên nấu ăn thực hiện theo quy định nên thiếu hụt so với nhu cầu thực tế. Nhiều điểm lẻ phụ huynh, giáo viên phải luân phiên nhiệm vụ nấu ăn cho học trò để bảo đảm tỷ lệ chuyên cần theo quy định của bậc học.

Đặc biệt, các khoản chi phí học tập của trẻ mầm non vùng khó quy định chi trả tới tay phụ huynh nhưng nhiều bố mẹ không mua đồ dùng học tập mà chi vào mục đích riêng (mua sắm, ăn tiêu) khiến trẻ khi tới lớp không đủ đồ dùng học tập, gây khó khăn cho quá trình dạy của giáo viên trên lớp…

Có cùng khó khăn tương tự, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai), cô Sền Thị Thơm, chia sẻ: Mới ở giai đoạn đầu triển khai thí điểm phổ cập giáo dục mầm non trẻ 4 tuổi đã bộc lộ vấn đề về đội ngũ và trang thiết bị dạy học. Trường còn thiếu đồ chơi ngoài trời lẫn thiết bị đồ dùng trong lớp theo danh mục tối thiểu. Dù trường đã huy động giáo viên sưu tầm, tự làm thiết bị dạy học, đồ chơi từ phế liệu, nguyên liệu có sẵn tại địa phương để thay thế nhưng vẫn thiếu về số lượng (mới đáp ứng được khoảng 85%), chưa đảm bảo về quy cách, tính đồng bộ, bền đẹp...

Từ thực tế trên, bà Nguyễn Thị Thơm - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Lào Cai) - khẳng định: Bên cạnh một số điều kiện thuận lợi, ngành Giáo dục Mầm non Lào Cai còn nhiều khó khăn khi triển khai thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi. Thống kê từ UBND tỉnh Lào Cai, đến nay nhiều trường mầm non vẫn phải bố trí vượt quá số điểm trường quy định và khoảng cách giữa các điểm trường xa nhau (824 điểm trường). Số lớp ghép 2 - 3 độ tuổi còn cao do địa bàn rộng, dân cư phân tán...

Ngoài ra, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi ở các độ tuổi nhà trẻ còn cao do hộ nghèo cao. Nhiều cha mẹ không có khả năng đóng góp để nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ tại trường lớp. Vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn còn tồn tại phong tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết...

Về đội ngũ, ngành Giáo dục Lào Cai còn thiếu 1.446 giáo viên dạy lớp mẫu giáo 4 tuổi. Trình độ, năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm hạn chế do giáo viên chưa thật sự tích cực trong vấn đề tự nghiên cứu, bồi dưỡng…

Trường Mầm non thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà, Lào Cai). Ảnh: NTCC

Nỗ lực vượt khó

Phổ cập mầm non 4 tuổi được khẳng định cần thiết với cả trò và thầy, tạo ra “điểm tựa”, nền tảng cho trẻ ở giai đoạn sau. Song việc triển khai hiệu quả hay không phụ thuộc vào các điều kiện đi kèm.

Trao đổi về giải pháp triển khai hiệu quả, bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai - cho rằng, Phòng tham mưu UBND thành phố cử nhiều lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên bồi dưỡng nâng cao trình độ, đạt chuẩn và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Có kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng hè, bồi dưỡng trong năm cho giáo viên toàn ngành chuyên môn chính trị và thực hiện nhiệm vụ năm học. Phòng cũng tổ chức nhiều chuyên đề về giáo dục cho trẻ 4 tuổi…

Ngành GD-ĐT Sa Pa hướng đến làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị, người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm và cùng tham gia thực hiện. Ông Nguyễn Trường Chinh - Trưởng phòng GD&ĐT Sa Pa - thông tin: Phòng tập trung nâng cao chất lượng dạy học, đổi mới phương pháp theo hướng phát huy tính chủ động sáng tạo của trẻ, nâng cao  chất lượng giáo dục toàn diện.

Không ngừng bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các trường học, phát huy vai trò nòng cốt chuyên môn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở các trường trong công tác bồi dưỡng giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học. Tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tham gia các lớp đào tạo nâng chuẩn theo kế hoạch, bảo đảm đến năm học 2022 - 2023 giáo viên lớp mẫu giáo 4 tuổi có trình độ chuyên môn trên chuẩn đạt hơn 40% theo quy định.

Tăng cường kinh phí Nhà nước; đóng góp của nhân dân và các tổ chức kinh tế - xã hội, thu hút dự án để đầu tư cho giáo dục, nguồn lực để tập trung xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị...

Ông Bùi Văn Tiến - Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Hà (Lào Cai) - khẳng định: “Khó khăn lớn nhất trong thí điểm phổ cập mầm non trẻ 4 tuổi tại Bắc Hà là bảo đảm chất lượng và số lượng đội ngũ giáo viên theo quy định. Do đó, bên cạnh tăng cường cơ sở vật chất, ngành chú trọng bằng nhiều giải pháp để bổ sung về số lượng, tăng cường chất lượng cho đội ngũ giáo viên”. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...