• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Áp lực thiếu trường học đè nặng ngành giáo dục Hà Nội

Tại nhiều trường quận nội thành ở Hà Nội, phụ huynh than phiền việc sĩ số lớp học quá đông, lên đến trên 50 em/lớp. Thậm chí có những nơi, hàng trăm phụ huynh "vây" quanh cổng trường để đăng ký cho con theo học tại trường công lập.

Áp lực thiếu trường học đè nặng ngành giáo dục Hà Nội

Hàng trăm phụ huynh "vây" quanh Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 chờ xin học cho con ngày 21.8. Ảnh: Vân Trang

Những ngày qua, dư luận xôn xao việc hàng trăm phụ huynh quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vì quá lo lắng đã có mặt tại cổng Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 để chất vấn nhà trường về việc con em họ không được học tại đây dù nhà gần trường, có hộ khẩu đúng tuyến. Tuy nhiên, trong nhiều lần họp với người dân, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quận Nam Từ Liêm cho rằng, trường này gần như không thể nhận thêm học sinh.

Trong nhiều năm qua, tình trạng thiếu trường công lập trên địa bàn Hà Nội đã tạo áp lực cho các học sinh cũng như các bậc phụ huynh. Ngành giáo dục Thủ đô đã có nhiều giải pháp quan tâm, ưu tiên các dự án xây trường mới, song vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Theo quy định của Bộ GDĐT, mỗi trường Mầm non không quá 20 lớp, mỗi lớp quy định theo độ tuổi nhưng tối đa không quá 35 học sinh; Với trường Tiểu học, quy mô tối đa 30 lớp, mỗi lớp không quá 35 học sinh. Đối với trường THCS, quy mô tối đa 45 lớp, mỗi lớp không quá 45 học sinh. Song thực tế, tại đa số quận nội thành trên Thành phố Hà Nội, sĩ số lớp học luôn vượt mức quy định do quá tải, trường mới xây không đáp ứng đủ nhu cầu của phụ huynh.

GS.TS Phạm Tất Dong - cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam - đánh giá, riêng tại Hà Nội, tình trạng này xuất hiện ở nhiều quận, huyện chứ không riêng ở quận Nam Từ Liêm.

Một trong những nguyên nhân được GS.TS Phạm Tất Dong chỉ ra là việc dân cư đổ về Hà Nội làm việc và sinh sống gia tăng quá nhanh, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa khó theo kịp.

"Quản lý Nhà nước nói chung và quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước nói riêng còn yếu, điều này khiến cho các bộ, ngành chỉ gặp việc nào làm việc đấy, không tính đến việc khác. Ngành giáo dục chỉ nghĩ đến làm giáo dục, doanh nghiệp thì chỉ biết xây chung cư, không có sự ăn nhập, mạnh ai nấy làm. Thiếu sự tính toán lâu dài về nhu cầu của xã hội" - ông Phạm Tất Dong phân tích.

Từ thực tế nêu trên, GS.TS Phạm Tất Dong bày tỏ lo ngại, nếu tình trạng này kéo dài, sẽ ảnh hưởng rất lớn việc giáo dục thế hệ trẻ.

Về giải pháp, GS.TS Phạm Tất Dong kiến nghị, ngành giáo dục cần có sự phối hợp với lãnh đạo thành phố trong việc phát triển hạ tầng, dự báo được tốc độ gia tăng dân số trong các khu đô thị… để có kế hoạch xây dựng mạng lưới trường học cho phù hợp.

Theo Sở GDĐT TP Hà Nội, mỗi năm trung bình Hà Nội lại tăng thêm từ 40.000 - 50.000 học sinh; tương ứng phải xây 30 - 40 trường mới có thể đáp ứng đủ chỗ học.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết