• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm trường xa nhất của tỉnh Quảng Ninh trên biển

Năm học mới đang đến gần, nhiều giáo viên đã không ngại khó khăn, xung phong đến Đảo Trần, đảo xa nhất của tỉnh Quảng Ninh để tiếp tục sự nghiệp "trồng người”.

Điểm trường xa nhất của tỉnh Quảng Ninh trên biển

Cô giáo Phạm Thu Hường đang soạn giáo án cho lớp ghép 4+5 tại điểm trường đảo Trần, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đoàn Hưng

Đảo Trần có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Đảo xa đất liền nhất của tỉnh Quảng Ninh, cách huyện Cô Tô khoảng 45 km về phía Đông Bắc.

Đảo Trần là 1 trong 4 thôn của xã Thanh Lân, huyện Cô Tô. Trên đảo có phân hiệu Liên cấp đảo Trần thuộc trường Tiểu học Thanh Lân.

Phân hiệu có 7 học sinh, 2 trẻ mầm non, 2 học sinh lớp ghép 2+3, 3 học sinh lớp ghép 4+5.

Năm học 2024 - 2025, cô Phạm Thu Hường, sinh năm 1983, giáo viên trường Tiểu học Thanh Lân đã viết đơn tình nguyện ra đảo Trần công tác. Cô được phân công dạy lớp ghép 4+5.

Những ngày này, cô giáo Hường đang chuẩn bị giáo án và những vật dụng cần thiết cho việc dạy học ở điểm trường mới.

Chia sẻ về quyết định của mình, cô Hường tâm sự: "Ra đảo Trần công tác là trách nhiệm, là công việc của mỗi giáo viên nhà trường. Trước đây, dù điều kiện trên đảo còn nhiều khó khăn, chưa có điện, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều thầy cô đã xung phong ra dạy học…. Bây giờ, khi đảo đã có điện lưới và cơ sở hạ tầng cải thiện đáng kể, việc công tác tại đây trở nên dễ dàng hơn. Đối với tôi, điều duy nhất phải thích nghi là việc xa gia đình một thời gian, nhưng may mắn là các con tôi cũng đã lớn và hiểu công việc của mẹ".

"Vừa rồi tôi đã mua thêm 1 chiếc máy tính xách tay mới để mang ra đảo soạn bài và hỗ trợ giảng dạy, cùng các em học trực tuyến môn Tiếng Anh, Tin học. Trước đây, tôi chỉ dạy các lớp có học sinh cùng độ tuổi và trình độ, nên việc dạy lớp ghép cũng có đôi chút bỡ ngỡ. Tôi đã hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đi trước và biết rằng các em học sinh trên đảo khá nhút nhát. Tuy nhiên, với sĩ số lớp chỉ có 3 học sinh, tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để quan tâm và hướng dẫn từng em, giúp các em tự tin và chủ động hơn trong học tập" - cô Hường nói.

Mặc dù chỉ cách huyện đảo Cô Tô khoảng 45km nhưng việc đi lại ra đảo Trần không phải lúc nào cũng thực hiện được, do còn phụ thuộc vào thời tiết, sóng gió. Ra đảo Trần thuê xuồng cũng tốn kém, mất khoảng 7,5 triệu đồng cho cả đi và về.

Phân hiệu liên cấp đảo Trần là 1 trong 3 điểm trường của trường Tiểu học Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đoàn Hưng

Phân hiệu liên cấp đảo Trần là 1 trong 3 điểm trường của trường Tiểu học Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đoàn Hưng

Phân hiệu liên cấp đảo Trần là 1 trong 3 điểm trường của trường Tiểu học Thanh Lân. Những giáo viên cấp tiểu học sẽ dạy tất cả các môn từ thể dục, mỹ thuật đến thanh nhạc.

Cô Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Lân - cho biết: "Việc phân công giáo viên ra đảo Trần công tác được thực hiện luân phiên hàng năm, dựa trên tinh thần tự nguyện của các thầy cô. Ngoài các chế độ như tại điểm trường chính, giáo viên trên đảo Trần sẽ được hưởng thêm phụ cấp cho việc dạy lớp ghép và dạy học ngoài trời. Huyện Cô Tô cũng hỗ trợ mỗi tháng một chuyến xuồng để các thầy cô về thăm gia đình. Nhà trường hỗ trợ 3 triệu đồng/năm tiền tàu xe. Cơ sở vật chất tại phân hiệu khá đầy đủ có điều hòa, bình nóng lạnh, đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt cho giáo viên".

"Giáo viên ra đảo Trần công tác đều là những người xung phong, tự nguyện với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ cao. Đây đều là những giáo viên có đạo đức tốt" - cô Hiền cho biết thêm.

Mỗi ngày, trên bờ sóng xa xôi của đảo Trần, những con chữ được gieo trồng không chỉ bằng tình yêu nghề mà còn bằng sự hy sinh và cống hiến thầm lặng của những người giáo viên. Chính từ những nỗ lực đó, thế hệ tương lai sẽ được trang bị kiến thức và tinh thần mạnh mẽ, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương biển đảo của Tổ quốc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết