"Đòi" đất xây trường
Chuyện khó tin về việc phụ huynh phải bốc thăm để giành quyền cho con em mình vào trường mầm non công lập tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội vào cuối tháng 8-2022 tới nay vẫn "nóng" khi đích thân lãnh đạo cao nhất của thành phố một lần nữa đề cập.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV mới đây, khi nói về các vấn đề tồn tại của TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết ông xót ruột trước thông tin "thiếu trường, thiếu lớp nên người dân oán trách, quận Hoàng Mai phải tổ chức bốc thăm" cho con em vào trường công.
Sự việc trên dù xảy ra từ hơn 1 tháng trước song vẫn còn được đề cập tại buổi tiếp xúc cử tri của vị lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ TP Hà Nội. Trước đó, báo chí và dư luận đã đồng loạt lên tiếng về chuyện hy hữu khi một trường mầm non công lập trên địa bàn phường Hoàng Liệt chỉ có thể đáp ứng được 333/713 trẻ trong nhóm 3-4 tuổi đăng ký. Số lượng trẻ đăng ký vượt quá chỉ tiêu là 380 cháu nên nhà trường không có cách nào khác là bốc thăm để con em ai may mắn thì được vào trường công, dù rằng giáo dục mầm non là phổ cập.
Chuyện bốc thăm hên - xui xảy ra bởi phường Hoàng Liệt là khu vực có tốc độ tăng dân số rất nhanh trong thời gian qua - khoảng 2.000 trẻ ra đời mỗi năm. Tính tới tháng 7-2022, phường này có hơn 8.150 trẻ trong độ tuổi trong khi chỉ có 1 trường mầm non công lập cùng 5 trường tư thục.
Việc dân số cũng như số trẻ mầm non tăng nhanh mỗi năm là hệ quả của tốc độ "chung cư hóa" quá nhanh tại phường Hoàng Liệt - nơi có tới 85 chung cư, nhiều tòa cao 40-45 tầng, với dân số khoảng 92.000 người; sắp tới lại có thêm 5 tòa chung cư khác đưa vào sử dụng. Với số dân và số trẻ độ tuổi 2-5 gia tăng chóng mặt như vậy mà chỉ có 1 trường mầm non công lập thì việc bốc thăm may rủi cho con em vào trường này là việc không thể khác.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một mặt của vấn đề, điều quan trọng không kém khác là tốc độ "chung cư hóa" quá nhanh nhưng tốc độ xây dựng hạ tầng lại ì ạch. Điều đáng nói là không phải không có đất để xây trường mà có đất lại để không. Trong đó, Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD) hiện có tới 7 ô đất với tổng diện tích hàng chục ngàn mét vuông được giao nhưng suốt 20 năm qua vẫn quây tôn để… trông xe, trồng rau, tập kết phế liệu hoặc để không!
Chính vì thế, lãnh đạo quận Hoàng Mai và mới đây là chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ra văn bản "đòi" HUD phải nhanh chóng bàn giao những ô đất để không suốt 20 năm qua cho địa phương xây trường học.
Hy vọng với việc lãnh đạo cao nhất của TP Hà Nội đã lên tiếng và chủ tịch UBND thành phố đã ra văn bản dấu đỏ "đòi" đất xây trường, phụ huynh học sinh sẽ sớm hết cảnh phải thực hiện một việc cực chẳng đã là bốc thăm đầy may rủi.