• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trăn trở với biểu tượng dân gian của vịnh Hạ Long

Trên vịnh Hạ Long có rất nhiều núi đá, hang động, bãi tắm tuyệt đẹp nhưng vì sao hòn Trống Mái lại được coi là biểu tượng của vịnh Hạ Long, mà lại không phải là hòn Đỉnh Hương hiện đang có mặt trên tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng?

Trăn trở với biểu tượng dân gian của vịnh Hạ Long

Hòn Trống Mái đã bị mòn vẹt chân. Ảnh: Nguyễn Hùng

Dân gian công nhận

Chúng tôi đã đi hỏi cả những nhà quản lý đã nghỉ hưu, các chuyên gia và dân làm du lịch lâu năm ở Hạ Long nhưng tất cả đều khẳng định, không có văn bản, giấy tờ nào công nhận hòn Trống Mái là biểu tượng của vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, theo các bậc cao niên từng làm du lịch trên vịnh Hạ Long, từ những ngày du lịch vịnh Hạ Long còn rất sơ khai, du khách xuống vịnh chủ yếu đi tuyến có hòn Trống Mái, khi đó vẫn gọi là hòn Gà Chọi.

Hòn Trống Mái rất đẹp để du khách ngắm cảnh, chụp ảnh, ngoài ra hành trình đi qua hòn Trống Mái thuận tiện hơn cho tàu thuyền. Trước năm 1990, hành trình đi thăm vịnh vẫn chủ yếu đi qua hòn Trống Mái.

Những bức ảnh về hòn Trống Mái xuất hiện trên nhiều ấn phẩm, ngay kể cả thời Pháp thuộc và sau đó ngày càng dày đặc.

Theo một cựu lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh (hiện sở này đã tách thành Sở Văn hóa Thể thao và Sở Du lịch), khi họp bàn xây dựng bộ nhận diện cho du lịch Quảng Ninh, các đơn vị, cá nhân đã đưa nhiều hình ảnh khác nhau để làm bộ nhận diện, trong đó có hòn Trống Mái. Tuy nhiên, cuối cùng không có hình ảnh nào được lựa chọn.

Cho đến nay, không có văn bản chính thức nào công nhận hòn Trống Mái là biểu tượng của vịnh Hạ Long, mà chỉ do dân gian thừa nhận. Và chỉ có một văn bản chính thức đổi tên hòn Gà Chọi thành hòn Trống Mái.

Chưa có đánh giá nào về thực trạng “sức khỏe” của hòn Trống Mái

Khi Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố những nguy cơ về sạt lở hòn Trống Mái vào đầu tháng 8.2023 rồi báo chí ồ ạt đăng tin thì tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp nghiên cứu các giải pháp nhằm bảo vệ hòn Trống Mái.

Thời điểm đó, các cơ quan chức năng của Quảng Ninh hối hả vào cuộc để triển khai giải pháp trước mắt là đặt phao xung quanh để tàu thuyền qua lại giữ khoảng cách với hòn Trống Mái và hạn chế tốc độ tàu thuyền khi chạy qua đây.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 12.2023, hiện trường xung quanh hòn Trống Mái vẫn như trước thời điểm dư luận sốt sắng, lo lắng biểu tượng của vịnh Hạ Long sạt lở. Nhiều người cho rằng, đó chỉ là giải pháp tình thế trước dư luận bởi, lâu nay, tàu du lịch đi qua đây vẫn giữ khoảng cách xa và thường đi chậm để du khách ngắm cảnh.

Không phải đến nay mới có đơn vị nghiên cứu và đưa ra những kiến nghị bảo vệ hòn Trống Mái. Năm 2020, khi đánh giá sức tải của các điểm du lịch trên vịnh Hạ Long, các chuyên gia quốc tế cũng đã từng đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ hòn Trống Mái, dựa trên các nghiên cứu, đánh giá hết sức kỹ lưỡng, khoa học trong suốt 20 tháng.

Với khu vực Hòn Trống Mái, các chuyên gia của Tập đoàn Tư vấn Kiran đề xuất tốc độ tàu chạy là 6km/h và khoảng cách giữa các tàu là 50m.

Gần 20 năm trước khi xuất hiện tình trạng sạt lở một số núi đá trên vịnh Hạ Long, các cơ quan quản lý, các chuyên gia cũng đặt ra vấn đề bảo vệ hòn Trống Mái nhưng chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu bởi cần phải hạn chế tối đa tác động vào núi đá.

Tuy nhiên, để “cứu” hòn Trống Mái, các chuyên gia của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản lại đề xuất sử dụng phương pháp neo và xây tường bêtông nhằm gia tăng sức chịu tải của bề mặt khối đá để giữ ổn định trước khi tiến hành các giải pháp phun bêtông phù hợp nhằm hạn chế khả năng ăn mòn, mở rộng khe nứt.

Theo ông Phạm Đình Huỳnh - Phó Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long, nguy cơ sạt lở hòn Trống Mái thì lúc nào cũng đúng bởi đã có nhiều núi trên vịnh Hạ Long bị sạt lở, nhưng tác động vào núi đá có khi lại khiến tình trạng sạt lở nhanh hơn; chưa kể làm biến dạng hòn Trống Mái. Hơn nữa, chính quá trình sạt lở trước đây mà có hòn Trống Mái hiện nay, với những khe nứt, phiến đá tách rời nhau.

Tất nhiên, thời gian, mưa bão, sóng gió… cũng tác động tiêu cực tới hòn Trống Mái nhưng cho đến nay chưa có bất cứ đánh giá nào về thực trạng “sức khỏe” của hòn Trống Mái. Theo đó, ít nhất phải có những đánh giá so sánh các vết nứt, độ vênh của các khe núi, phiến đá ở từng giai đoạn, để từ có mới có phương án xử lý và quan trọng hơn là có quyết định tác động vào thiên nhiên hay không.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết