• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sớm mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ cho phép khôi phục chính sách miễn thị thực đối với các thị trường du lịch quốc tế đã áp dụng trước năm 2020.

Hội thảo "Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế" đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) chủ trì tổ chức ngày 24-1 dưới sự điều hành của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng.

Mở ngay trong tháng 2?

Theo bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, trong 2 tháng thí điểm đón khách quốc tế, ngành du lịch đã đón khoảng 8.000 lượt khách quốc tế có hộ chiếu vắc-xin. "Việc thí điểm đón khách quốc tế đạt hệ số an toàn rất cao, du khách đáp ứng được nhu cầu du lịch trong điều kiện an toàn với dịch. Qua đó tiếp tục khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn trong khu vực, quốc tế" - bộ trưởng khẳng định.

Để tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới, Bộ VH-TT-DL đề xuất lộ trình từ nay đến 30-4 tiếp tục chương trình thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 2. Và từ ngày 1-5 sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.

Bộ VH-TT-DL cũng kiến nghị Chính phủ khôi phục các chính sách miễn thị thực nhập cảnh (visa) đã áp dụng đối với các thị trường khách du lịch quốc tế trước năm 2020 và xem xét bổ sung một số thị trường khách du lịch tiềm năng để nâng cao khả năng cạnh tranh điểm đến của Việt Nam đối với các quốc gia, điểm đến trong khu vực và quốc tế. Tăng cường đàm phán nhằm gia tăng số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng - "hộ chiếu vắc-xin" của Việt Nam để phục vụ đưa khách đi du lịch nước ngoài trong điều kiện bình thường mới.

Sớm mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế - Ảnh 1.

Đoàn du khách quốc tế đến tham quan Hội An hôm 20-11-2021 Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Phát biểu tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế, không nhất thiết phải chờ đến ngày 1-5. Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), nói: "Thật vô lý khi chúng ta không mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn". Ông Bình cho rằng không mở là đi ngược lại chính sách của Chính phủ, đó là thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả. "Nếu không mở bây giờ là chúng ta mất cơ hội ngàn năm" - ông Bình nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng đề xuất mở cửa vào ngày 1-4. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành đề xuất với Chính phủ bỏ quy định cách ly với khách du lịch quốc tế đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin hoặc có giấy xác nhận khỏi Covid-19 trong thời gian 6 tháng.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đề nghị cần mở cửa ngay, từ ngày 1-2. "Tuyên bố mở cửa sẽ khiến các doanh nghiệp (DN) thúc đẩy xúc tiến tìm khách, xây dựng sản phẩm, gấp rút vào cuộc. Đặc biệt, các hãng hàng không phải vào cuộc nhanh nhất có thể" - ông Vũ Thế Bình nêu ý kiến.

Chuyên gia này cho rằng mở cửa nhưng có khách đến không mới là điều đáng phải bàn. "Mở cửa mà không có khách thì thật đáng sợ!". Vì thế phải xúc tiến mạnh mẽ ở những thị trường tiềm năng thật sự, không chỉ xúc tiến quảng bá chung chung mà phải tiếp cận với những công ty lữ hành, đối tác để đưa khách đến Việt Nam.

Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho hay thị trường nội địa đã có dấu hiệu khởi sắc, suốt 2 năm qua chưa bao giờ sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn như bây giờ. Về mở cửa đón khách quốc tế, đại diện Vietnam Airlines "khẩn thiết đề nghị bộ trưởng xin phép Thủ tướng mở cửa du lịch từ ngày 1-2" để các thị trường chuẩn bị vì khách quốc tế đi du lịch thường có kế hoạch trước nhiều tháng.

Giảm bớt phiền hà, mở thêm visa

Đề cập bài toán mở cửa, ông Trương Gia Bình đặt câu hỏi: "Mở như thế nào"? Bởi, nói như ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, việc mở cửa đón khách quốc tế đang có một số bất cập. "Thứ nhất, cũng là vấn đề khó nhất, đó là quy định về đi lại. Có tỉnh yêu cầu xét nghiệm có tỉnh không, rồi yêu cầu cách ly hay không cách ly…

Thứ hai, hiện nay có nhiều điều kiện hạn chế khiến DN trong lĩnh vực du lịch khó khăn, cụ thể là DN muốn tham gia đón khách quốc tế phải được sự đồng ý từ địa phương và một số cơ quan ban ngành. Thứ ba, các quy định về phòng dịch hiện hành khiến khách rất ngại vào Việt Nam. Tại sao chúng ta không bỏ các quy định đó để tạo điều kiện cho khách du lịch có thể đến Việt Nam. Sao chúng ta không mở rộng miễn thị thực cho các thị trường trọng điểm?" - ông Kiên nêu vấn đề.

Ông Trương Gia Bình cho rằng cần mở cửa theo thông lệ quốc tế. "Khi du khách đến Việt Nam, những gì người Việt được làm thì khách du lịch cũng phải cho họ làm như vậy. Mình cũng đã tiêm đủ vắc-xin phòng Covid-19, du khách cũng vậy. Trước chúng ta mở visa cho nhiều nước, sao giờ không mở thêm? Chúng ta hãy làm việc đơn giản và cẩn trọng vì quyền lợi của người dân và đất nước" - ông Trương Gia Bình nói.

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM Bùi Thị Ngọc Hiếu nêu rõ hướng dẫn điều kiện đón khách quốc tế đến Việt Nam phải có chứng nhận PCR âm tính trong 48 giờ là không phù hợp. Nhiều thị trường đến Việt Nam rất xa, thời gian quá cảnh, bay nhiều như các nước châu Mỹ, Canada… vì vậy, đề nghị tăng thời gian giấy chứng nhận xét nghiệm PCR là 72 giờ.

Chia sẻ những băn khoăn về miễn visa cho du khách, ông Trần Văn Dự, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an, thông tin từ ngày 18-1, căn cứ thông báo của Chính phủ về tạo điều kiện cho chuyến bay thương mại quốc tế, tất cả visa còn hạn đều được bay vào Việt Nam, không còn gặp khó khăn gì.

Còn việc miễn thị thực đơn phương, ông Dự cho rằng DN du lịch có thể sẽ rơi vào tình trạng bị "tuột tay", khó kiểm soát khách. "Nếu DN đưa khách đến thì còn quản lý được nhưng nếu khách vào tự do sẽ khó, vì thế cần phân tích kỹ để báo Chính phủ" - ông Trần Văn Dự nêu ý kiến.

Về những vướng mắc liên quan đến xét nghiệm Covid-19, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho hay sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để có hướng dẫn công nhận giữa các nước về chứng nhận tiêm chủng. "Chúng tôi xin ghi nhận thông tin và sẽ rà soát để cập nhật thường xuyên hướng dẫn phù hợp nhất với xu thế, từng bước một mở cửa" - bà Hằng nói.

TP HCM kỳ vọng đón 3,5 triệu khách quốc tế

Ngày 24-1, tại hội nghị tổng kết ngành du lịch TP HCM năm 2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết ngành du lịch thành phố đặt mục tiêu đón 3,5 triệu khách quốc tế trong năm nay sau khi dịch được khống chế. Thành phố đang chuẩn bị đón đoàn khách quốc tế đầu tiên sau khi được Chính phủ thông qua chủ trương.

Với khách du lịch nội địa, có 2 kịch bản là nếu tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt, các hoạt động du lịch trở lại vào tháng 1, khách nội địa cuối năm nay ước đạt 25 triệu lượt.

Kịch bản 2, nếu hình dịch trong nước diễn biến phức tạp, khách nội địa đến cuối năm nay ước đạt 18 triệu lượt. Tổng thu du lịch theo kịch bản 1 ước đạt 97.700 tỉ đồng, kịch bản 2 ước đạt 67.600 tỉ đồng. Th.Phương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...