• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đà Nẵng kỳ vọng trở thành phim trường trong tương lai

Phóng viên Lao Động có cuộc trò chuyện với ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - xoay quanh câu chuyện quảng bá du lịch biển bằng điện ảnh như cách Jeju - Hàn Quốc đang làm.

Đà Nẵng kỳ vọng trở thành phim trường trong tương lai

Thành phố biển Pohang thu hút đông đảo khách du lịch sau khi nơi đây là địa điểm quay bộ phim “Điệu cha cha cha làng biển”. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Những năm gần đây, hàng loạt bộ phim thuộc dòng “chữa lành” của Hàn Quốc quay tại bối cảnh là các làng chài ven biển như “Điệu cha cha cha làng biển”, “Chào mừng đến Samdalri”... đã tạo nên cơn sốt về du lịch. Đà Nẵng có chiến lược quảng bá du lịch biển, du lịch cho các làng chài thông qua phim ảnh không, thưa ông?

- Chiến lược phát triển văn hóa quốc gia đã xác định rất rõ, phát triển du lịch không thể tách rời văn hóa bản địa, cảnh quan, đặc trưng từng vùng miền... Trong đó nhấn mạnh, văn hóa là yếu tố quan trọng.

Đà Nẵng chúng tôi có sự ưu đãi từ thiên nhiên. Đà Nẵng không chỉ có biển, còn có sự đa dạng, phong phú với địa hình sông, núi... Chúng tôi xác định, quảng bá hình ảnh rất quan trọng trong quá trình đưa Đà Nẵng vươn xa ra quốc tế, thu hút khách du lịch quốc tế.
Sắp tới đây, chúng tôi tổ chức Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng. Bằng cách này, chúng tôi kỳ vọng có thể kết nối hoạt động điện ảnh của các nước châu Á, sẵn sàng hỗ trợ các đoàn phim muốn đến Đà Nẵng quay phim.

Phú Yên từng thu hút được khách du lịch qua bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, hay bộ phim “King Kong” đã mang đến sức hút lớn cho Quảng Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình... Đà Nẵng chúng tôi cũng rất mong muốn có thể trở thành phim trường như thế.

Nhiều thành phố du lịch như Đà Nẵng sẵn sàng chi tiền để sản xuất cả một bộ phim điện ảnh, hoặc truyền hình với đề tài về tình yêu, chủ đề lãng mạn, trên nền bối cảnh thiên nhiên tươi đẹp để quảng bá, nhưng Đà Nẵng chưa có những kế hoạch cụ thể về việc này?

- Đà Nẵng sẵn sàng hợp tác, tạo điều kiện để các đoàn phim đến đây quay phim tại các bối cảnh thiên nhiên đẹp. Tuy nhiên, việc này mới chỉ dừng ở vài phân cảnh ngắn. Với các phim dài, chúng tôi mới chỉ đầu tư ở dạng tài liệu với mục đích dùng trong quảng bá du lịch là chính, chứ chưa tính đến “đặt hàng” sản xuất những phim điện ảnh quay tại Đà Nẵng, lấy câu chuyện của nhân vật sống tại Đà Nẵng...

Điều này rất khó. Đầu tư vào một dự án phim phải tính toán đến rất nhiều khâu. Trước tiên, chúng tôi cần mời một biên kịch thật giỏi sáng tạo nên câu chuyện hay, hấp dẫn, lấy bối cảnh, câu chuyện, cuộc sống của người Đà Nẵng. Sau đó, chúng tôi lại cần đến một đạo diễn thật giỏi để đưa kịch bản thành phim sống động.

Để bộ phim có sức hút lại cần đến cả dàn diễn viên, đến chiến lược truyền thông, quảng bá... Tức là, để có dự án phim đạt hiệu quả sẽ cần đến rất nhiều khâu đầu tư. Chúng tôi không thể dùng ngân sách Nhà nước như thế.

Chính bởi vậy, chúng tôi vẫn tính toán, cân nhắc. Và hiện, chúng tôi đã và đang đầu tư cho nhiều khâu quảng bá mang lại hiệu quả tốt hơn, nhanh hơn - so với đầu tư vào các dự án phim ảnh.

Ngay đến một vùng biển từng ít người biết đến là thành phố biển Pohang, thuộc tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc cũng gây bão sau khi nơi đây là địa điểm quay bộ phim “Điệu cha cha cha làng biển”. Ông nghĩ như thế nào về việc này?

- Chúng tôi sẽ chọn lựa những cách quảng bá để phù hợp với văn hóa, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế của Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung. Đà Nẵng hy vọng sẽ được điện ảnh chú ý nhiều hơn và sẽ trở thành một phim trường trong tương lai. Hy vọng, các biên kịch, đạo diễn Việt Nam có thể xây dựng được những câu chuyện hay để quay tại Đà Nẵng, Quảng Nam, hay cả Huế...

Ông nghĩ thế nào khi ở các phim về làng chài, cuộc sống ven biển có sức hút là vì, người ta cổ vũ thế hệ trẻ quay về sống tại các vùng quê yên tĩnh, xây dựng cuộc sống nơi đây, khi đã mệt nhoài với áp lực ở đô thị?

- Như tôi đã nói, xây dựng một bộ phim quảng bá hiệu quả đôi khi phải cần đến cả một ngành công nghiệp hoạt động chuyên nghiệp ở nhiều khâu. Chúng ta cần cả một kế hoạch bài bản.

Điều kiện tự nhiên của Đà Nẵng vẫn còn những điểm đến hoang sơ, yên tĩnh để du khách tìm đến như một hình thức du lịch “chữa lành”. Trong một ngày du khách có thể trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau, giữa biển - sông - núi, giữa không khí đô thị sôi động đến làng quê yên ả.

Sau quãng thời gian phát triển nhanh để đáp ứng nhu cầu du lịch, Đà Nẵng cũng đang song song điều chỉnh để thành phố phát triển cân bằng, bền vững.

Xin cảm ơn ông!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết