• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo mua combo du lịch giá rẻ

Lợi dụng mùa cao điểm du lịch hè, các đối tượng lừa đảo đã tung ra chiêu mời chào mua vé máy bay, combo du lịch giá rẻ nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo mua combo du lịch giá rẻ

Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo mua combo du lịch giá rẻ dịp hè. Ảnh: Thu Giang

Mất tiền oan vì tour giá rẻ

Mới đây, trên một trang mạng xã hội, chị Bùi Linh (Giảng Võ, Hà Nội) đã chia sẻ thông tin về việc bị lừa đảo khi mua voucher du lịch.

Theo lời kể của chị Linh, thấy quảng cáo combo 3 ngày 2 đêm với giá 2.980.000 đồng/khách, rẻ hơn một nửa giá so với các công ty du lịch khác, lại được ở khách sạn 4 sao tại Phú Quốc, chị đã không ngần ngại mà “chốt đơn” ngay lập tức. Chị Linh mua vé cho gia đình 5 người với giá 14.900.000 đồng. Để nhận được ưu đãi “sốc”, tư vấn viên yêu cầu chị Linh phải chuyển khoản 50% để đặt cọc.

Sau khi chuyển khoản 7.450.000 đồng và nhận được email xác nhận đăng ký thành công, sau vài giờ, chị Linh gọi điện kiểm tra lại thì đã bị chặn điện thoại và Zalo. Fanpage chị vừa đặt cũng không còn. Nghi ngờ bị lừa, chị Linh liên hệ đến đơn vị cung cấp loại hình tương tự thì được biết, không có đơn vị nào bán voucher với mức giá như trên.

Không chỉ chị Linh, nhiều khách hàng cũng ‘‘sập bẫy’’ các đối tượng lừa đảo. Anh Hoàng Nam (Tây Hồ, Hà Nội) bức xúc chia sẻ, dù đã rất cẩn thận nhưng thủ đoạn của các đối tượng quá tinh vi khiến số tiền anh tích góp đi du lịch bấy lâu không cánh mà bay.

Nhiều đối tượng lợi dụng du lịch giá rẻ đẻ  lừa đảo. Ảnh minh họa: Thu Giang

Nhiều đối tượng lợi dụng du lịch giá rẻ đẻ lừa đảo. Ảnh minh họa: Thu Giang

Trong quá trình giao dịch, để tăng độ tin cậy, các đối tượng này đã chủ động gửi hình căn cước công dân (trùng tên với Facebook cá nhân), giấy phép kinh doanh và hình ảnh những giao dịch đã thành công trước đó. Đủ tin tưởng, anh Nam chuyển khoản số tiền 4 triệu đồng để đặt cọc combo. Tuy nhiên, anh Nam đã không nhận được email xác nhận hay code vé từ các đối tượng mặc dù đã nhiều lần liên lạc, anh Nam đã làm đơn tố cáo tới Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao với hy vọng được hoàn lại số tiền đã mất. Tuy nhiên, các đối tượng sử dụng tài khoản ảo, khó lòng truy vết.

Những trường hợp như chị Linh hay anh Nam không phải là cá biệt, theo thông tin từ Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), đơn vị vừa triệt phá thành công đường dây do Trần Hà Mi (27 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ninh) lừa đảo mua tour, đặt phòng khách sạn tại nhiều khu du lịch VIP với giá rẻ để chiếm đoạt số tiền lên đến hàng tỉ đồng của nhiều khách hàng.

Nhóm lừa đảo thường dùng các tài khoản mạng xã hội, email giả... để quảng cáo và đưa ra các thông tin giả hấp dẫn như dịch vụ giá rẻ, chất lượng, thủ tục nhanh chóng, để đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nạn nhân. Khi con mồi chuyển tiền đặt cọc, thậm chí là hết chi phí phòng hoặc tour du lịch, chúng sẽ chặn liên lạc để chiếm đoạt tiền.

Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh lừa đảo

Với hình thức lừa đảo "combo du lịch giá rẻ”, dấu hiệu để nhận biết là các đối tượng lừa đảo đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên internet và mạng xã hội (MXH) với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền (từ 30 - 50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc.

Thủ đoạn thứ hai là đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỉ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi nạn nhân chuyển khoản chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ... rồi lấy lý do nạn nhân khai thiếu thông tin và không trả lại tiền.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn làm giả website/fanpage của công ty du lịch có uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.

Các chuyên gia khuyến cáo, khách hàng không nên giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin, không có hoặc không cho phép thanh toán tiền qua tài khoản công ty. Khách hàng cần lưu ý việc bán cùng một sản phẩm với mức giá rẻ bất thường có thể là dấu hiệu không an toàn khi giao dịch.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết