• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo vệ môi trường biển để phát triển kinh tế du lịch

Ô nhiễm môi trường biển, sự cố môi trường biển có thể làm biến đổi cảnh quan, suy thoái các hệ sinh thái, kéo theo sự ảnh hưởng đến sự an toàn của du khách và giảm tính hấp dẫn của các điểm du lịch, tuyến du lịch và giảm khả năng tổ chức hoạt động du lịch biển.

Cải thiện môi trường biển để phát triển kinh tế du lịch qua đó giúp du lịch biển Việt Nam phát triển bền vững. Cải thiện môi trường biển để phát triển kinh tế du lịch qua đó giúp du lịch biển Việt Nam phát triển bền vững.

Du lịch biển phát triển mạnh gây ra ô nhiễm môi trường

Việt Nam có hơn 1 triệu km2 diện tích mặt nước biển, hơn 2.770 đảo ven bờ và hàng loạt bãi tắm đẹp trải dọc cả nước, đó là những lợi thế thiên nhiên vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam), trước khi dịch bệnh bùng phát, ước tính các vùng ven biển, khu du lịch biển hàng năm thu hút khoảng 70% lượng khách quốc tế tới Việt Nam, 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu ngành du lịch cả nước.

Đáng nói, trung bình mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải khoảng 1,2kg/ngày đêm; trong khi mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5 kg/ngày. Trong đó, rác thải nhựa chiếm khoảng 60%, chủ yếu là các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi ni lông, hộp xốp, chai nhựa, ống hút nhựa, bàn chải, lược, tăm bông…

Du lịch biển phát triển nhanh và mạnh gây ra vấn nạn ô nhiễm môi trường biển nhức nhối nhiều năm nay. Lượng du khách gia tăng kéo theo sự phát sinh một khối lượng lớn chất thải ra môi trường, vượt qua năng lực quản lý, thu gom và xử lý chất thải của các khu du lịch biển. Rác thải chưa được thu gom, xử lý đúng quy trình, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại một số bãi tắm ven bờ, gần khu dân cư, nhà hàng, khách sạn…

Chỉ nói riêng về chất thải rắn, vào mùa du lịch cao điểm, tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở các điểm đến hiện đạt cao nhất chỉ rơi vào khoảng 70% đến 80% khối lượng chất thải thực sự ra môi trường. Nhiều năm nay, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, các khu du lịch biển nổi tiếng như Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Vũng Tàu… đều đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải.

Ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí vùng biển đảo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe du khách. Ô nhiễm môi trường biển, sự cố môi trường biển sẽ làm biến đổi cảnh quan, suy thoái các hệ sinh thái và suy giảm đa dạng sinh học biển, kéo theo sự ảnh hưởng đến sự an toàn của du khách và giảm tính hấp dẫn của các điểm du lịch, tuyến du lịch và giảm khả năng tổ chức hoạt động du lịch biển. Ô nhiễm môi trường biển, suy thoái đa dạng sinh học biển sẽ giảm năng suất nguồn lợi hải sản. Từ đó, dẫn đến hải sản khan hiếm, khó đáp ứng nhu cầu thưởng thức hải sản của du khách tại các điểm, tuyến du lịch nên sẽ giảm lượng khách đến du lịch vùng biển đảo.

Bên cạnh đó, sự cố tràn dầu khiến cho dầu nổi lên trên mặt biển, sau đó sẽ loang rộng ra và ảnh hưởng trực tiếp đến các tầng nước của biển, khu vực ven bờ; bám vào đất, kè đá, các bờ đảo; vón cục trên các bãi biển. Do đó, làm mất mỹ quan, gây mùi khó chịu cũng như gây ảnh hưởng đến chính sức khỏe của con người. Điều này làm cho du khách e ngại khi đến du lịch tại vùng biển bị ảnh hưởng bởi tràn dầu, dẫn đến doanh thu của ngành Du lịch cũng bị thiệt hại nặng nề.

Cải thiện môi trường biển để phát triển kinh tế du lịch

Để giúp du lịch biển Việt Nam phát triển bền vững, giải pháp trước hết là kịp thời xử lý ô nhiễm nước biển và khu vực ven bờ để cải thiện môi trường, tăng sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch biển.

Tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường biển, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển. Bên cạnh đó, cần thực hiện chuyển hướng xây dựng, cung ứng sản phẩm du lịch mới như khuyến khích các loại hình du lịch sinh thái biển thân thiện với môi trường, hỗ trợ đắc lực cho những dự án bảo vệ môi trường biển.

Chính quyền các địa phương ven biển cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường biển cho người làm du lịch và du khách tham quan; nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch.

Hiện nay, nhiều mô hình đã được triển khai góp phần phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như việc huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo vệ môi trường bền vững. Những năm gần đây, phong trào lặn vớt rác thải nhựa dưới biển thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia, góp phần xử lý số lượng lớn rác thải nhựa trôi nổi, nằm dưới đáy biển.

Tại nhiều bãi biển như Cát Bà (Hải Phòng), Phan Thiết (Ninh Thuận), Bãi Cháy (Quảng Ninh)…, đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, khuyến khích giảm rác thải nhựa nhằm thay đổi thói quen của khách du lịch để giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường thiên nhiên.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết