• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Vương giả chi hoa” nơi đại ngàn Quảng Trị

Không phải ở vườn thượng uyển, cũng chẳng giữa chốn cung đình, loài hoa ngô đồng vẫn âm thầm bung nở hồng như đôi môi cánh sen của thiếu nữ. Ở khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, tỉnh Quảng Trị, có một quần thể được mệnh danh “vương giả chi hoa” như thế – cổ kính, thanh cao như một bản giao hưởng lặng lẽ của thời gian giữa Trường Sơn đại ngàn.

 

Ngô đồng bung nở giữa đại ngàn - loài hoa được mệnh danh "vương giả chi hoa". Ảnh: Minh Tân

Nơi Phượng hoàng đến đậu

Trong sử sách và các điển tích, cây ngô đồng cho hoa sắc hồng pha chút tím nhẹ được nhắc đến như biểu tượng “vương giả chi hoa” gắn liền với điển tích loài chim phượng hoàng chỉ đậu khi thế nước thái bình, lòng người yên ổn. Dưới triều Nguyễn, loài cây này được chọn là 1 trong 9 loài cây được chạm khắc lên Nhân Đỉnh, một trong Cửu đỉnh đặt tại Thế Miếu.

Thế nên, không phải ngẫu nhiên, với các bậc quân vương, ngô đồng là biểu tượng cho sự cao quý, cho phẩm hạnh uy nghi và sự trường tồn.

Ấy thế mà giữa những cánh rừng ở Đakrông, loài cây từng gắn liền với cung cấm lại đang sống thành quần thể, giữa thiên nhiên hoang sơ, cách biệt mọi ồn ào của thời hiện đại. Khi mùa hoa đến, khoảng từ cuối xuân đến đầu hạ, từng chùm hoa hồng phấn điểm nhẹ lên giữa tầng cao, như những đôi môi thiếu nữ trong sương sớm.

Quần thể ngô đồng sinh trưởng ở núi đá vôi dọc theo sông Đakrông - thượng nguồn của dòng sông Thạch Hãn. Ảnh: Minh Tân

Cây ngô đồng vốn là loài ưa vươn lên, thường bén rễ trên những vách đá vôi cheo leo, nơi đất đai khô cằn, khắc nghiệt. Thế nhưng, chính trong điều kiện ấy, cây lại vươn cao hơn tất cả, hướng thẳng lên bầu trời để đón lấy những tia nắng đầu tiên của mặt trời. Có lẽ vì thế mà ngô đồng mang một vẻ đẹp vừa kiêu hãnh vừa thanh tao – như kẻ đơn độc chọn sống nơi hiểm trở, nhưng chưa từng khuất phục bóng tối.

Giữa khoảng trời cao vời vợi ấy, cây ngô đồng hiện lên với dáng vẻ trầm lặng mà cuốn hút. Những chùm hoa nhỏ li ti, ken dày trên cành, bung nở thành từng dải mềm mại. Màu hoa hồng pha chút tím dịu nhẹ, thoắt nhìn như chiếc đuôi chim đang xoè rộng giữa không trung – rực rỡ mà vẫn thanh thoát, như mang theo điều gì huyền thoại. Cái dáng vẻ ấy khiến người ta không khỏi liên tưởng đến một loài linh điểu trong truyền thuyết kiêu sa, thanh cao.

Loài cây mọc thẳng đứng và vươn mình cao vút để đón những ánh bình minh sớm nhất. Ảnh: Minh Tân

Người xưa tin rằng, chính nhờ phẩm chất ấy, loài chim phượng hoàng – biểu tượng của sự cao quý, thuần khiết mới chọn ngô đồng làm điểm đậu. Bởi không phải nơi nào cũng đủ cao, đủ sáng, đủ tĩnh tại để loài linh điểu ấy tìm đến. Và khi những chùm hoa hồng nở rộ như chiếc đuôi phượng xoè mình trong nắng, cây ngô đồng không chỉ là một thực thể sống, mà còn là biểu tượng của khát vọng vươn tới, của sự giao hoà giữa đất và trời, giữa cái hữu hình và điều linh thiêng.

Di sản sống của rừng già

Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông vốn nổi tiếng là nơi cư ngụ của nhiều loài cây quý hiếm, nơi địa hình hiểm trở tạo ra nhiều tiểu vùng sinh thái độc đáo. Và ở một số khu vực núi vôi cao dọc theo sông Đakrông (thượng nguồn sông Thạch Hãn) trở thành điều kiện lý tưởng để hình thành nên những quần thể cây mọc liền kề như thể có một lời hẹn ngầm giữa chúng và đất trời Trường Sơn.

Ngô đồng mang một vẻ đẹp vừa kiêu hãnh vừa thanh tao trở thành điểm nhấn của núi rừng. Ảnh: Minh Tân

Theo Ban quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường, đơn vị đã phát hiện nhiều quần thể loài thực vật không chỉ có giá trị về mặt nguồn gen mà còn có giá trị về mặt cảnh quan và tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, như: Quần thể cây mai vàng cổ thụ tại xã Triệu Nguyên và quần thể cây ngô đồng. Trong đó, quần thể cây ngô đồng sinh trưởng tại các xã Hướng Việt, Hướng Sơn, Hướng Lập (huyện Hướng Hóa), Đakrông, Tà Long (huyện Đakrông) mọc trên quần thể núi đá vôi.

Cận cảnh lá và hoa ngô đồng được Ban quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị lấy mẫu phục vụ nghiên cứu, nhân giống. Ảnh: Minh Tân

Đặc biệt, quần thể ngô đồng tại xã Đakrông, Tà Long với khoảng 50 - 60 cây, trong đó nhiều cây đã trên 30 - 50 tuổi. Điều kỳ lạ là loài cây này vốn được xem là hiếm gặp, từng gần như vắng bóng trong tự nhiên ở nhiều vùng khác, vậy mà ở đây, chúng vẫn sống khỏe mạnh, sinh sôi, phát triển như thể chưa từng bị lãng quên. Có lẽ chính bởi độ biệt lập và nguyên sinh của rừng Đakrông đã vô tình trở thành "tàng kinh các" tự nhiên lưu giữ những giống loài quý hiểm, cổ xưa.

Cây ngô đồng lại vươn cao hơn tất cả, hướng thẳng lên bầu trời để đón lấy những tia nắng đầu tiên của mặt trời. Ảnh: Minh Tân

Theo Sách Đại Nam nhất thống chí ghi rõ xuất xứ của cây ngô đồng trong hoàng cung Huế, và những cây ngô đồng khác đang tồn tại nơi vùng đất cố đô: "Đời Minh Mạng được đưa từ Quảng Đông về, trồng ở hai bên góc điện Cần Chánh. Lại sai biền binh đem lá lên các núi để tìm khắp, tìm được, đem trồng ở các góc điện". Và có lẽ, những cây ngô đồng khác đã được mang từ vùng núi đá vôi Đakrông này về rồi sinh trưởng, tô điểm thêm nét thơ mộng cho vùng đất xứ Huế.

Giấc mơ giữa rừng xanh

Sự tồn tại của quần thể ngô đồng ở Đakrông là minh chứng hùng hồn cho khả năng tự phục hồi và thích nghi của thiên nhiên khi được tôn trọng. Nhưng chính điều ấy cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao cho con người phải bảo vệ, phải giữ gìn, không chỉ vì giá trị sinh học mà còn vì di sản tinh thần, văn hóa mà nó mang theo.

Loài hoa được mệnh danh "vương giả chi hoa" này không lẫn đi đâu được giữa muôn vàn màu sắc của đại ngàn. Ảnh: Minh Tân

Ngày nay, Ban quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị đang tiến hành khảo sát để đánh giá khả năng nhân giống loài cây này. Khác với những cánh hoa ngô đồng thơ mộng, lung linh giữa hoàng cung, loài “vương giả chi hoa” này cũng khó có thể mang lại cảm giác ngỡ ngàng như khi bắt gặp nó giữa rừng Đakrông – nơi nó sinh ra không để được ngợi ca, mà để tồn tại trong trầm mặc, như một vết gạch nối giữa thiên nhiên, lịch sử và lòng người.

Người ta tin rằng, khi loài "vương giả chi hoa" nở rộ báo niềm vui mới, một sự hồi sinh của tương lai. Ảnh: Minh Tân

Giữa những đổi thay, nơi đất trời như đang chuyển mình, nơi con người mang theo bao hi vọng và trăn trở về một tương lai vừa khởi đầu vừa hồi cố – cây ngô đồng vẫn lặng lẽ nở hoa. Trên đỉnh núi đá vôi khô cằn, nó đã bung những chùm hồng mỏng manh, rực lên như đuôi chim phượng hoàng vẫy gọi trong gió.

Cây đã trút lá, đã chắt chiu từng giọt nắng, vươn mình lên cao hơn hết thảy để đón ánh mặt trời. Và trong không khí giao mùa ấy, hoa ngô đồng nở cũng như một lời ẩn dụ: Khi những gì cần chuẩn bị đã trọn vẹn, thì chỉ còn chờ điều cao quý nhất tìm đến – một sự hồi sinh, một cánh phượng hoàng, một dấu hiệu của tương lai.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...