• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xin đừng khoe điểm con lên mạng

“Mấy hôm nữa họp phụ huynh, bố mẹ đừng đưa điểm của con lên mạng xã hội nữa”. Đó là lời nhắn khẩn khoản của một cô bé năm nay học lớp 10. “Học tốt thì khoe, có sao đâu?”- mẹ cô nói. “Nhưng con không thích”.

Xin đừng khoe điểm con lên mạng

Cần thận trọng khoe thành tích học tập của con lên mạng xã hội. Ảnh: Nguyễn Chân

Đó là câu chuyện thường thấy ở nhiều gia đình khi tới “mùa” họp phụ huynh. Đến hẹn lại lên, cứ dịp tổng kết năm học của các cấp học, mạng xã hội tấp nập phong trào khoe con, khoe điểm, khoe giấy khen và các thành tích trong năm học của con.

Vấn đề là các bậc phụ huynh thường quan tâm tới cảm xúc của mình hơn là để ý con cái phản ứng thế nào khi bảng thành tích trong năm được đưa lên mạng xã hội.

“Hầu hết các con không vui - một chuyên gia tâm lý học đường chia sẻ - bởi cảm giác những bí mật của mình bị phơi lên mạng xã hội. Ngay cả những em có thành tích tốt cũng không hào hứng với việc khoe điểm. Đây là tâm lý thường thấy ở lứa tuổi thanh thiếu niên”.

Tôn trọng quyền riêng tư của con cái là điều lâu nay ít được quan tâm. Thông thường các bậc cha mẹ vẫn cho rằng, chỉ có vấn đề khi “bêu” mặt xấu của con lên mạng, còn nếu là tốt thì không vấn đề gì.

Thế nhưng hệ lụy của việc phụ huynh khoe điểm thi trên mạng xã hội là tạo ra sự ghen tỵ và áp lực tâm lý đối với những em học sinh không đạt kết quả cao. Bằng cách công khai điểm số, các em bị đặt vào tình thế so sánh và cảm thấy tự ti về năng lực của mình. Việc khoe điểm số trên mạng xã hội dẫn đến việc so sánh và đánh giá giá trị cá nhân của mỗi học sinh dựa trên điểm số. Điều này tạo ra một tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và dẫn đến việc so sánh trình độ của học sinh chỉ đơn thuần thông qua điểm số.

Đồng thời, việc khoe điểm thi trên mạng xã hội đánh mất sự riêng tư của các em học sinh. Phong trào khoe điểm thi trên mạng xã hội cản trở quá trình giáo dục và định hướng sai mục tiêu. Thay vì tập trung vào việc rèn kỹ năng, khám phá sở thích và phát triển cá nhân, các học sinh có thể bị lôi kéo vào cuộc đua điểm số và chỉ chú trọng vào kết quả thi cử. Điều này gây áp lực lớn lên các em.

Và còn một vấn đề khác, đó là trong không gian mạng hiện nay, khi vấn nạn lừa đảo, deepfake tràn lan thì đưa bảng điểm lên mạng là hành động vô tình công khai thông tin cá nhân của trẻ lên mạng, từ đó rất dễ bị sử dụng sai mục đích hoặc bị lợi dụng bởi những cá nhân hay tổ chức không đúng đắn, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực tới học sinh, phụ huynh, thậm chí cả nhà trường.

Các phụ huynh hãy cân nhắc khi đưa bảng điểm của con mình khoe trên mạng xã hội.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết