• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dở khóc dở cười chuyện học sinh tiểu học thi viết bài luận

Quảng Bình - Sau khi bài viết “Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình nói gì khi học sinh lớp 1, 2 bị bắt thi viết bài luận” được đăng tải, nhiều phụ huynh đã kể những câu chuyện dở khóc, dở cười việc dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024.

Dở khóc dở cười chuyện học sinh tiểu học thi viết bài luận

Học sinh lớp 1, 2 ở Quảng Bình sẽ không bị bắt buộc tham gia thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. Ảnh: Công Sáng

Một phụ huynh tên V.H (có con học lớp 1, ở tỉnh Nghệ An) kể rằng, khi được phổ biến về cuộc thi, anh đã phải tự mày mò và làm thay cho con.

“Thực sự học sinh lớp 1 để đọc hiểu và cảm nhận một tác phẩm là ngoài khả năng. Việc đọc đúng, đọc chuẩn với các em đã khó, đằng này phải cảm nhận nhân vật truyền cảm hứng, sau đó định hướng tới lối sống tích cực, có trách nhiệm với xã hội, khơi dậy khát vọng cống hiến và phát triển đất nước. Đọc xong câu hỏi, tôi cũng cảm thấy khổ cho con” - anh H nói.

Anh H thừa nhận, sau khi nhận thông báo từ giáo viên chủ nhiệm, anh cũng chủ động mày mò, sau đó làm thay cho con để hoàn thành đúng tiến độ.

Hay một phụ huynh khác tên V.T ở tỉnh Quảng Bình chia sẻ, con của anh học lớp 2, anh phải tự viết hơn một ngày nhưng chưa đầy 2 trang giấy. Rồi tự cảm thán không biết viết xong liệu con của mình có hiểu ba viết gì không hay.

Chị N.A ở tỉnh Quảng Bình cười phá lên khi nhắc đến câu chuyện dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm nay khi chị phải tìm kiếm bài viết tại Google, sau đó tải về, sửa lại một số chỗ và nộp bài.

“Tôi viết văn không hay mà con lại cần có bài để nộp. Với một học sinh lớp 1, thực sự đề thi nằm ngoài khả năng của cháu. Nên tôi quyết định lên Internet tìm kiếm bài viết, sau đó sửa lại đôi chỗ trong bài và nộp.

Tôi nghĩ việc tổ chức cuộc thi là tốt, tuyên truyền về văn hóa đọc là điều cần thiết đối với học sinh, nhưng việc đưa đề thi này cho các em học sinh tiểu học để trả lời sẽ nằm ngoài khả năng của hầu hết các em. Việc học đối với học sinh đã nặng, các cuộc thi liên tục đôi lúc khiến các em bị quá tải” - chị A nhận định.

Như Báo Lao Động đã thông tin, nhiều phụ huynh lớp 1, 2 tại TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đau đầu vì nhận được thông báo của giáo viên chủ nhiệm, yêu cầu các học sinh tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024.

Theo thông báo, học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 đều được yêu cầu tham gia. Học sinh phải trả lời đầy đủ 2 câu hỏi trong đề.

Câu hỏi đầu tiên trong đề thứ nhất: “Trong các tác phẩm đã đọc, nhân vật nào đã truyền cảm hứng, hướng em tới lối sống tích cực, có trách nhiệm với xã hội, khơi dậy khát vọng cống hiến và phát triển đất nước?”.

Câu tiếp theo: “Em hãy xây dựng kế hoạch hành động nhằm phát triển văn hóa đọc cho bản thân và cộng đồng, đặc biệt với các bạn là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật”.

Tại đề số 2, có hai câu hỏi nhưng chỉ khác câu hỏi số 1 ở đề đầu tiên: “Viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc một cuốn sách mà em đã đọc nhằm lan tỏa tình yêu đọc sách, thông qua đó khơi dậy trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu với Tổ quốc”.

Có hai hình thức thi, bài viết tay hoặc đánh máy không quá 5.000 từ. Hoặc dự thi bằng video, yêu cầu tối thiểu 5 phút, tối đa 10 phút. Thể lệ còn yêu cầu bài dự thi phải do cá nhân thí sinh thực hiện.

Sau khi nhận được phản ánh, chiều 21.5, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình Mai Xuân Thành cho biết, đơn vị đang soạn thảo văn bản điều chỉnh những bất cập trong thể lệ cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc cho học sinh.

Nội dung điều chỉnh tập trung vào việc thông báo rõ không bắt buộc học sinh tham gia, đặc biệt các khối lớp nhỏ của bậc tiểu học.

Về câu hỏi thi, đơn vị sẽ không điều chỉnh vì đây là câu hỏi do Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch soạn thảo cho cuộc thi trên phạm vi toàn quốc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết