• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây nhà ở xã hội 250-300 triệu đồng, công nhân dễ tiếp cận

Với thu nhập cả tháng chỉ đủ để chi tiêu cho gia đình, lao động nghèo dành được 700 triệu đồng - hơn 1 tỉ đồng mua nhà ở xã hội là điều không tưởng.

Xây nhà ở xã hội 250-300 triệu đồng, công nhân dễ tiếp cận

Nhiều công nhân vẫn phải thuê trọ trong các căn nhà trọ xuống cấp, không dám mơ đến nhà ở xã hội. Ảnh: Bảo Hân

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) chia sẻ như vậy với báo chí bên hành lang Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, trong giai đoạn 2015-2023, nguồn lực để dành cho phát triển nhà ở xã hội chủ yếu là ngoài ngân sách, không phải của nhà nước.

Theo bà, điều này có hạn chế, đó là chủ đầu tư rất muốn có sự quay vòng vốn thật nhanh để đảm bảo lợi nhuận và lợi nhuận càng lớn càng tốt với chủ đầu tư. Từ đó dẫn đến tình trạng khi đầu tư vào nhà ở xã hội, khâu xét duyệt hồ sơ để người thuộc đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội rườm rà, phức tạp, chờ đợi lâu. Thời gian người mua nhà chờ đợi lâu đồng nghĩa chủ đầu tư lâu được hoàn vốn, nên họ chưa mặn mà quan tâm đến nhà ở xã hội.

“Cũng có những khi để hoàn vốn nhanh chủ đầu tư sốt ruột, có những biện pháp khác nhau để khiến các đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội chưa chắc là đối tượng được phép tiếp cận theo quy định” - bà Nga nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Bảo Hân

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Bảo Hân

Từ thực tế trên, bà Nga mong muốn các địa phương quan tâm đến nhà ở xã hội nhưng được xây dựng bằng nguồn ngân sách, để hướng tới mục tiêu nhà ở xã hội cho thuê, hơn là nhà ở xã hội là bán, hoặc cho thuê mua. Theo bà Nga, giá cả dù đã bị khống chế lợi nhuận đối với chủ đầu tư, thì còn quá cao so với thu nhập thuộc đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội.

Bà Nga cho biết, đối với người nghèo, hộ cận nghèo, người lao động thu nhập thấp, toàn bộ số tiền trong 1 tháng chỉ đủ để chi tiêu cho gia đình, với một cuộc sống rất eo hẹp, không còn khoản dư để mua nhà ở xã hội. Dù hưởng ưu đãi về mặt lãi suất đối với một số ngân hàng chính sách thì họ không dám mua, vì không trả được.

“Lao động nghèo dành 700 triệu đồng - hơn 1 tỉ đồng để mua nhà ở xã hội là điều không tưởng” - bà nhận định và đề xuất phải lưu ý đến phân khúc nhà ở xã hội cho thuê với giá hợp lý.

Bà Nga nói thêm, Luật Nhà ở đã được thông qua, trong đó có quy định rất quan trọng là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được làm chủ đầu tư để phát triển nhà ở cho công nhân bằng nguồn quỹ công đoàn.

“Tôi mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ sớm triển khai một cách tích cực và có hiệu quả nhất việc xây nhà ở cho công nhân, bởi có như thế mới giải quyết nhanh nhất bài toán làm thế nào có nhà ở cho công nhân, đặc biệt là đối với các đô thị lớn, nơi tập trung nhiều công nhân lao động, nhiều khu, cụm, công nghiệp” - bà Nga bày tỏ.

Trong khi đó, đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) cho biết, hiện nay phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp đang thiếu; nhiều chung cư mini, nhà trọ chỉ 10m2 cho 1 hộ gia đình, như vậy rất vất vả cho những công nhân đi làm xa.

“Do vậy, đề nghị bổ sung giải pháp giao cho Chính phủ có một chính sách thật cụ thể cho đối tượng phân khúc nhà ở cho công nhân thu nhập thấp. Mục tiêu là giảm được thủ tục hành chính” - ông Minh đề xuất.

Theo ông Minh, ông có tham vấn một số công ty, thì loại nhà dành cho người thu nhập thấp (khoảng 25-30 m2) chi phí xây dựng tối đa là 7 triệu đồng/m2; giá bán là 10 triệu đồng/2 thì với những căn nhà 25-30 m2 sẽ có giá là 250 - 300 triệu đồng, không cao như hiện nay, công nhân dễ tiếp cận.

Theo ông Minh, giá cao như hiện nay là do thủ tục hành chính, nên ông đề nghị có chính sách cụ thể để giảm thủ tục hành chính, cho phép người dân có đất, tự xây dựng lên để bán, chỉ cần trong quy hoạch và tuân theo quy chuẩn của Nhà nước ban hành.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...