• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỹ năng sinh tồn nhìn từ vụ em bé 5 ngày lạc trong rừng

Vụ em bé 6 tuổi sống sót thần kỳ sau 5 ngày bị lạc trong rừng cho thấy giá trị của việc gần gũi với thiên nhiên trong phát triển các kỹ năng sinh tồn cơ bản.

Kỹ năng sinh tồn nhìn từ vụ em bé 5 ngày lạc trong rừng

Em bé 6 tuổi đã sống sót sau 5 ngày đi lạc trong rừng nhờ có kỹ năng sinh tồn cơ bản. Ảnh: Người dân cung cấp

Hôm qua, trên mạng xã hội, rất nhiều người đã thở phào nhẹ nhõm khi hay tin em Đ.V.L (6 tuổi, ngụ ở thôn Khay Dạo, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đã được tìm thấy an toàn sau 5 ngày bị lạc trong rừng.

Đây trước hết là một cái kết có hậu cho một hành trình đầy xúc động, thể hiện tinh thần trách nhiệm và lòng nhân ái của cộng đồng. Trong suốt 5 ngày qua, chính quyền tỉnh Yên Bái đã huy động hơn 150 người, bao gồm lực lượng cứu hộ và dân địa phương, tham gia vào cuộc tìm kiếm em bé.

Sự nỗ lực không ngừng nghỉ này đã mang lại kết quả tốt đẹp, và hơn hết, nó cho thấy sức mạnh của sự đoàn kết trong cộng đồng khi đối diện với khó khăn, hoạn nạn. Đây là một bài học quý giá về sự đồng lòng, tinh thần trách nhiệm và tình người.

Việc một em bé nhỏ tuổi, giữa rừng sâu, không có sự chăm sóc, bảo vệ của người lớn, nhưng vẫn có thể tự tìm cách sống sót trong môi trường khắc nghiệt, không chỉ là một câu chuyện cảm động về sức sống mãnh liệt mà còn là một bài học về khả năng ứng phó của con người trước những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên.

Những thông tin ít ỏi mà em bé Đ.V.L kể lại sau khi được tìm thấy đã hé lộ một chi tiết rất đáng chú ý: Em đã tự dựa vào những kiến thức đơn giản về thiên nhiên mà em học được trong cuộc sống hằng ngày ở vùng rừng núi để sinh tồn.

Em biết phân biệt các loại lá cây, quả dại có thể ăn được, biết tìm đến dòng suối để uống nước khi khát, và khi đêm đến, em tìm chỗ trú tạm để ngủ qua đêm. Đó là những kỹ năng mà không phải đứa trẻ nào, đặc biệt là những đứa trẻ ở thành phố, cũng có thể nắm bắt và sử dụng trong tình huống sinh tử như vậy.

Điều này đặt ra một câu hỏi lớn về giá trị của sự gần gũi với thiên nhiên trong việc phát triển các kỹ năng sinh tồn cơ bản.

Trong khi nhiều trẻ em ở đô thị lớn thường bị cuốn vào vòng xoáy của công nghệ, của những tiện ích hiện đại, của học thêm và sự nuông chiều đôi khi rất vô lý của cha mẹ, thì ở những vùng nông thôn, miền núi, trẻ em vẫn giữ được sự gắn kết với thiên nhiên và những kỹ năng sống cơ bản mà đôi khi chúng ta vô tình bỏ qua.

Sự kiện này cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm về cách giáo dục trẻ em, đặc biệt là về tầm quan trọng của việc dạy cho trẻ các kỹ năng sống cơ bản từ sớm, thay vì biến chúng thành những "con gà công nghiệp", chỉ biết học thật giỏi nhưng lại thiếu khả năng đối mặt với thực tế đôi khi vô cùng khắc nghiệt của cuộc sống!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết