Khai quật đô thị Ai Cập 3.400 năm tuổi liên quan tới pharaoh Tutankhamun
Một đô thị Ai Cập 3.400 tuổi liên quan tới pharaoh Tutankhamun (còn được gọi là Vua Tut) đã được khai quật gần Alexandria.
Mặt nạ vàng của pharaoh Ai Cập cổ đại Tutankhamun trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo. Ảnh: AFP
Một nhóm các nhà khảo cổ học người Pháp đã có một khám phá đáng chú ý: Tàn tích của một đô thị Ai Cập 3.400 năm tuổi gần thành phố Alexandria ngày nay. Đô thị này có thể do pharaoh Akhenaten (cha của pharaoh Tutankhamun) xây dựng.
Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Antiquity, những tàn tích bằng gạch bùn này có niên đại từ Vương triều thứ 18 của Ai Cập (khoảng năm 1550-1292 trước Công nguyên), thời kỳ nổi tiếng với sự giàu có, quyền lực và những thay đổi mạnh mẽ trong hệ tư tưởng tôn giáo.
Di chỉ này, được gọi là Kom el-Nugus, nằm cách Alexandria 43 km về phía tây. Dù cuộc khai quật bắt đầu từ năm 2013.
Trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng, khu vực này chỉ có người định cư trong thời kỳ Hy Lạp hóa, khi người Hy Lạp đến đây vào khoảng năm 332 trước Công nguyên.
Nhà khảo cổ học chính Sylvain Dhennin thuộc Đại học Lyon và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp chia sẻ với tờ New Scientist rằng: "Việc phát hiện ra di tích Tân Vương quốc tại địa điểm này là một bất ngờ lớn. Khám phá này đã thay đổi hoàn toàn lịch sử biên giới phía tây của Ai Cập thời Tân Vương quốc".
Trong quá trình khai quật, một trong những phát hiện đáng chú ý nhất là mảnh vỡ của chiếc bình amphora có khắc tên Merytaton - người được cho là con gái cả của pharaoh Akhenaten và hoàng hậu Nefertiti. Do đó, Merytaton chính là em gái hoặc chị gái cùng cha khác mẹ của pharaoh Tutankhamun.
Nhiều dấu hiệu cho thấy đô thị mới khai quật này có thể là một cơ sở sản xuất rượu vang dành riêng cho Merytaton. Điều này cho thấy thương hiệu hoàng gia và hoạt động chứng thực hàng hóa đã tồn tại ở Ai Cập cổ đại.
"Sự xuất hiện của con tem này có thể chỉ ra hoạt động sản xuất rượu vang thuộc về một điền trang hoàng gia. Những vườn nho ở sát biên giới Ai Cập có lẽ được quân đội bảo vệ và hình thành nên một mặt trận tiên phong để chiếm đóng khu vực này hướng về phía sa mạc" - tác giả nghiên cứu Sylvain Dhennin, nhà khảo cổ học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), chia sẻ với Live Science.
Những phát hiện đáng chú ý khác có tàn tích kiến trúc liên quan đến ngôi đền thờ pharaoh Ramesses II.
Quy mô đầy đủ của khu đô thị này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, sự hiện diện của một con phố được thiết kế tỉ mỉ, bố trí dốc khéo léo để thoát nước và bảo vệ các tòa nhà khỏi bị xói mòn, cho thấy đây là một thị trấn có quy mô đáng kể.
Việc phát hiện ra đô thị này là một phần trong loạt phát hiện khảo cổ học quan trọng của Ai Cập trong năm nay. Tháng trước, các nhà khảo cổ đã khai quật được lăng mộ của pharaoh Thutmose II. Đây cũng là nơi chôn cất pharaoh đầu tiên được phát hiện kể từ lăng mộ của Tutankhamun năm 1922.
Vài ngày sau, chính nhóm nghiên cứu này thông báo rằng có khả năng đã tìm thấy ngôi mộ thứ hai thuộc về pharaoh Thutmose II, được chôn sâu 23 m bên dưới một gò đất được ngụy trang cẩn thận bằng đá vụn, đá vôi, tro và bùn thạch cao.
Đầu năm nay, một nhóm khảo cổ học Pháp - Thụy Sĩ ở Ai Cập đã khám phá lăng mộ của một pháp sư, bác sĩ cấp cao của các pharaoh Ai Cập cách đây khoảng 4.000 năm. Những dòng chữ khắc trên lăng mộ xác định chủ nhân là Tetinebefou, bác sĩ nổi tiếng dưới thời pharaoh Pepi II (khoảng năm 2305 - 2118 trước Công nguyên).