• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Văn hóa đọc thực sự đi vào đời sống

Văn hóa đọc là sự hợp thành của sở thích và kỹ năng đọc. Xây dựng văn hóa đọc trong kỉ nguyên số là một vấn đề khó, đòi hỏi phải có hướng đi và giải pháp phù hợp, bền vững.

Văn hóa đọc thực sự đi vào đời sống

Đường sách TPHCM là không gian thu hút nhiều độc giả đến tham quan, mua sách. Ảnh: Thanh Chân

Từ độc giả đến “người tiêu dùng” thông tin

Với sự bùng nổ của công nghệ, văn hóa đọc hiện nay khác xưa quá nhiều. Nếu trước đây, sách là con đường lớn nhất đưa con người tiếp cận thông tin, tri thức và văn hóa nhân loại thì ngày nay xu hướng ấy đang dần biến chuyển. Sự phát triển thần tốc của internet mang đến cho người dùng quá nhiều tiện ích, nhất là việc dễ dàng tiếp cận thông tin qua các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, YouTube, Tiktok...

Tuy nhiên, điều này vô hình trung khiến con người từ vị trí độc giả, xem việc đọc sách là cơ sở hữu ích để nâng cao tri thức, làm giàu vốn liếng ngôn từ trở thành “người tiêu dùng thông tin” trong kỉ nguyên 4.0. Sự biến đổi này xuất phát từ thói quen đọc nhanh, đọc lướt, dễ dàng tiêu thụ hay “ném bỏ” bất kì nội dung nào trên internet. Cùng với đó là xu hướng tìm kiếm các nội dung nghe nhìn hấp dẫn, được cá nhân hóa theo sở thích đang dần cạnh tranh, lấn át văn hóa đọc.

Chia sẻ với phóng viên Lao Động, Tiến sĩ văn hóa Tùng Hiếu - giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM - cho rằng, sự phát triển của nhiều loại hình giải trí trên mạng xã hội khiến con người dành quá nhiều thời gian cho internet.

“Nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này nằm ở việc các thông tin trên internet quá dễ tiếp cận tạo cho người dùng suy nghĩ tri thức đang nằm trong tay mình, từ đó nảy sinh tình trạng lười nhác trong việc tìm kiếm, tiếp cận từ những nguồn chính thống khác”, tiến sĩ cho biết thêm.

Ngoài việc ngó lơ sách, một bộ phận công chúng, đặc biệt là giới trẻ lại chọn lựa những “sách đen” có nội dung vô bổ, thậm chí dung tục. Thay vào việc ra các hiệu sách để mua sách chuyên ngành, sách về văn hóa - giáo dục… lại sẵn sàng dành ra hàng giờ đồng hồ dùng điện thoại đọc hàng chục, hàng trăm mẩu truyện yêu đương diễm tình...

“Gõ cửa” văn hóa đọc

Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24.2.2014, Thủ tướng Chính Phủ đã kí Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21.4 hàng năm là ngày “Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”. Qua 8 năm tổ chức, sự kiện này đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kĩ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Những đường sách, không gian sách được mở ra để trưng bày và giới thiệu những đầu sách mới, bổ ích, đa dạng thể loại; đặc biệt các mô hình sách nói, sách điện tử, sách 3D… ra đời giúp độc giả tiếp cận nhiều hình thức đọc khác nhau. Tại các trường học, ngày hội đọc sách, các buổi giao lưu, tọa đàm được tổ chức thường xuyên, học sinh tự trao đổi sách, xây dựng thư viện mini giúp việc đọc sách trở nên thú vị, hấp dẫn.

Theo Nhà xuất bản Trẻ, dù hiện tại, nhu cầu tìm đọc sách thuần túy đã giảm, nhưng phía nhà xuất bản vẫn nỗ lực “ngược dòng” tìm độc giả. Hiện nay, có các gian hàng sách trong các trung tâm thương mại, siêu thị hay nhiều điểm du lịch trong thành phố. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản ngày càng đa dạng hình thức, mẫu mã, tăng chất lượng in ấn...

Đặc biệt, các nhà xuất bản còn tổ chức nhiều hội sách với quy mô và ưu đãi lớn. Chẳng hạn như Nhà xuất bản Kim Đồng thường có tuần lễ vàng, tháng sách Kim Đồng... Nhiều cửa hàng “cà phê sách” được mở ra mang đến không gian cho những người yêu sách.

Những nỗ lực trên rất đáng ghi nhận và có tác động nhất định đến việc xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Tuy nhiên, điều này chỉ mang tính chất “bề nổi” và sẽ không tạo được giá trị bề vững nếu chính độc giả không tự thay đổi, đặc biệt là những người trẻ.

Yếu tố tự thân đóng vai trò quyết định

Thực tế cho thấy, phần lớn người trẻ thường chỉ tìm đến sách chỉ khi buộc phải nắm chắc một vấn đề, sự kiện nào đó. Còn thông thường, họ có thể biện hộ cho thói lười đọc bằng câu:  “Không phải tất cả đều có trên internet rồi sao?”.

Vậy nên, để xây dựng văn hóa đọc bền vững thì hai thành tố “thói quen đọc” và “kĩ năng đọc” đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết. Theo Tiến sĩ Tùng Hiếu, mỗi người cần tự xác định mục đích đọc sách xuất phát từ sự yêu thích dành cho sách hay để thu thập, tích lũy tri thức. Từ đó, thói quen đọc sách mới có thể duy trì lâu dài.

Về kĩ năng đọc, Tiến sĩ Tùng Hiếu cho rằng, cần dựa vào thời gian và nhu cầu để có phương pháp đọc sách phù hợp với bản thân. Nên lựa chọn thật kĩ cuốn sách mình cần, sau đó nắm bắt tổng quát nội dung bằng cách đọc mục lục hay một vài trang sách.

Người trẻ có cơ hội tiếp cận với nhiều hình thức đọc sách hiện đại như sách nói, sách 3D và đặc biệt là Ebook (Sách điện tử),  càng cần phải cần rèn luyện “thói quen đọc” và “kĩ năng đọc” trong thời đại bùng nổ thông tin để tiếp nối nhiệm vụ to lớn hơn là trở thành những “đại sứ” văn hóa đọc mới trên không gian mạng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết