Ươm tạo thế hệ đạo diễn trẻ
Việc phát triển lực lượng đạo diễn trẻ là thiết thực góp phần vào việc xây dựng tương lai cho điện ảnh Việt.
"Fanti" là phim dài đầu tay của đạo diễn Việt kiều Andy Nguyễn, được sự hỗ trợ từ nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh thông qua Công ty Anh Tễu Studio do anh sáng lập. Phim thuộc thể loại tâm lý - giật gân, kể về mặt tối của mạng xã hội. Phim dự kiến ra rạp từ ngày 28-7.
"Fanti" là câu chuyện xoay quanh cô gái xinh đẹp, có danh tiếng trên mạng xã hội tên Ánh Dương (Thảo Tâm đóng). Từ khi số lượng người theo dõi cô tăng nhanh trên mạng xã hội Instagram, kẻ rình rập bí ẩn xuất hiện khiến cuộc sống bị đảo lộn. Ánh Dương hoảng loạn, lúc nào cũng cảm thấy xung quanh mình có người ẩn nấp, rình rập.
Nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh tiết lộ khoảng 3 năm trước, sau khi kết thúc phim "Tiệc trăng máu", các công ty HK Film, Anh Tễu Studio và Lotte Entertainment muốn bắt tay thực hiện thêm một phim thuộc thể loại giật gân, có chủ đề nói về quan hệ giữa người với người bị vạch trần bởi chiếc điện thoại và mạng xã hội. Đúng lúc này, họ gặp Andy Nguyễn cùng kịch bản phim "Fanti".
Andy Nguyễn được đào tạo bài bản về điện ảnh tại Đại học Columbia - Mỹ. Khi về Việt Nam cách đây 8 năm, anh làm việc trong vai trò người dựng phim và từng tham gia dựng tác phẩm "Em là bà nội của anh", "Người bất tử"… Andy Nguyễn luôn mong ước được làm một tác phẩm nguyên gốc, không phải Việt hóa hoặc làm lại từ tác phẩm nào và "Fanti" là tác phẩm mở đầu cho ước mơ này.
"Tác phẩm "Fanti" là câu chuyện tôi luôn muốn kể, câu chuyện về thời đại, về những nỗi đau và áp lực của thế hệ trẻ. Tôi mong được khán giả đón nhận" - Andy Nguyễn bộc bạch.
Nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh (bìa phải), đạo diễn Andy Nguyễn (thứ hai từ phải sang) cùng các thành viên trong ê-kíp phim “Fanti”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Cần nhiều nguồn lực
Với những đạo diễn trẻ, thông thường, để có thể thực hiện phim đầu tay họ cần có phim ngắn mang đi tranh tài ở các liên hoan phim (LHP) trong và ngoài nước. Khi phim ngắn tạo được chú ý, họ có cơ hội kêu gọi đầu tư, nhận sự hỗ trợ kinh phí từ các quỹ hỗ trợ điện ảnh để làm thành phim dài. Đây là một hành trình tốn cả thời gian lẫn công sức, khiến cho giấc mơ phim dài của một số đạo diễn thông thường mất khoảng từ 8 đến 10 năm mới có thể hiện thực hóa.
Để có được phim "Ròm" từ tác phẩm phim ngắn "16:30", đạo diễn Trần Thanh Huy cũng mất thời gian hơn 8 năm và cần có sự truyền cảm hứng, đỡ đầu từ đạo diễn Trần Anh Hùng. Gần đây, phim "Bên trong vỏ kén vàng" do đạo diễn Phạm Thiên Ân thực hiện, thắng giải Camera d’Or dành cho phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2023, nhận được sự tán thưởng từ người trong giới. Để có "Bên trong vỏ kén vàng", Phạm Thiên Ân từng dự thi và vào tốp 5 cuộc thi "Dự án phim ngắn CJ" 2018 với tác phẩm "Hãy tỉnh thức và sẵn sàng". Anh nhận được số tiền 200 triệu đồng hỗ trợ để thực hiện phim ngắn và sau đó tác phẩm được đưa đến LHP Cannes 2019.
"Hãy tỉnh thức và sẵn sàng" giành giải Illy dành cho phim ngắn xuất sắc nhất tại chương trình "Tuần lễ đạo diễn" thuộc khuôn khổ LHP Cannes 2019. "Dự án phim ngắn CJ" do CJ Cultural Foundation và CJ CGV Việt Nam (CGV) phối hợp thực hiện, khởi xướng từ năm 2018. Đây là sân chơi đã và đang ươm mầm, nuôi dưỡng nhiều tài năng trẻ của điện ảnh Việt.
Điện ảnh Việt còn có dự án cộng đồng "Gặp gỡ mùa thu" do nhóm làm phim: Phan Đăng Di, Trần Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thị Mỹ Dung khởi xướng từ năm 2013. Sau 10 năm thực hiện thường niên, "Gặp gỡ mùa thu" đã nói lời tạm biệt, không còn là chương trình được tổ chức riêng. Những năm về sau, dự án cộng đồng này sẽ trở thành trại sáng tác trẻ thuộc khuôn khổ các LHP như LHP châu Á Đà Nẵng hoặc LHP quốc tế TP HCM - dự kiến diễn ra lần đầu vào tháng 4-2024.
Theo những người trong cuộc, việc phát hiện và đầu tư cho thế hệ đạo diễn trẻ, hỗ trợ họ thực hiện các dự án đầu tay là rất cần thiết để xây dựng tương lai cho điện ảnh Việt. Bên cạnh các công ty tư nhân với nguồn lực đơn lẻ, các sân chơi trui rèn nghề vẫn còn hiếm hoi, điện ảnh Việt rất cần có thêm các nguồn quỹ hỗ trợ, những kế hoạch, dự án phát triển quy mô, đồng bộ do cơ quan quản lý thực hiện. Bởi chỉ khi phát triển đồng bộ, tổng hợp từ nhiều nguồn lực mới tạo cơ hội cho người trẻ thỏa sức sáng tạo, mang đến nhiều sản phẩm điện ảnh chất lượng cho thị trường.